Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm: Điểm sáng về chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công

27/12/2024
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm: Điểm sáng về chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công
Ngày 27/12/2024, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác năm 2025 của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị gồm: Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Kế hoạch - Tài chính, Cục Bồi thường nhà nước, Cục Công nghệ thông tin, Vụ Hợp tác quốc tế cùng toàn thể cán bộ chủ chốt, công chức của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2024, các nhiệm vụ trọng tâm của Cục được triển khai đồng bộ, cơ bản hoàn thành; một số nhiệm vụ đang triển khai đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hiệu quả và theo đúng kế hoạch. Kết quả trên có được không chỉ nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, tổ chức Đảng mà còn nhờ sự đoàn kết, tập trung trí tuệ, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức của tập thể Lãnh đạo Cục, công chức, viên chức, người lao động của Cục.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về đăng ký biện pháp bảo đảm
Cụ thể, về công tác xây dựng văn bản, đề án, trong năm 2024, Cục đã trình Lãnh đạo Bộ ký và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực được giao phụ trách, có thể kể đến: Thông tư số 01/2024/TT-BTP ngày 01/02/2024, Thông tư số 07/2024/TT-BTP ngày 02/8/2024, Thông tư số 11/2024/TT-BTP ngày 24/9/2024; Quyết định số 1676/QĐ-BTP ngày 10/9/2024…; đồng thời phối hợp cho ý kiến, cung cấp thông tin, tham gia thẩm định đối với các văn bản: dự thảo Nghị định quy định thi hành Luật Đất đai, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở… Nhìn chung, công tác xây dựng văn bản, đề án được thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng theo đúng kế hoạch; góp phần nâng cao chất lượng dự án, dự thảo của Bộ, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật. Đồng thời đáp ứng yêu cầu về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu mới về nguồn nhân lực trong cung cấp dịch vụ công thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
 

Toàn cảnh Hội nghị.

Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, chú trọng vào chất lượng, hiệu quả theo phương châm “hướng về cơ sở”, nhất là trong tăng cường việc chỉ đạo, tập huấn, kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động vay vốn đầu tư, tín dụng và sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao nhận thức hiểu biết của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm; trong phối hợp chặt chẽ giữa Cục Đăng ký với các đơn vị, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cục.
Đột phá trong chuyển đổi số hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm
Công tác chuyển đổi số trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm tiếp tục được triển khai, thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp đổi mới, đột phá nhằm đáp ứng hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện kết nối theo thẩm quyền Hệ thống đăng ký trực tuyến với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC) theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP; tích hợp thêm kênh thanh toán bằng mã QR-Code trên Hệ thống đăng ký trực tuyến; hoàn thành việc đồng bộ dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ với Hệ thống đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông) và chính thức kết nối, chia sẻ dữ liệu từ ngày 25/12/2024... Với những kết quả đã đạt được, Cục tiếp tục là điểm sáng về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp. Trong năm 2024, Cục Đăng ký được vinh danh là một trong 11 cơ quan nhà nước được vinh danh nhận giải thưởng cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc với sản phẩm Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản năm 2024 tại Lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam, đồng thời cũng là đơn vị đầu tiên của Bộ Tư pháp được nhận được Giải thưởng này.
Số hóa 100% việc tiếp nhận, giải quyết trả kết quả thủ tục hành chính đăng ký biện pháp bảo đảm
Công tác cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm cho các cơ quan có thẩm quyền và quản lý, cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm, tính từ ngày 01/01/2024 đến 20/12/2024, Cục đã phát hành 1.410 văn bản cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền theo quy định (tăng 54,2%); 767 trường hợp đề nghị cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm là cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền theo quy định (giảm 19,6%); 806 trường hợp đề nghị cấp mới (tăng 194%) và 513 trường hợp đề nghị thay đổi thông tin về mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm cho các cá nhân, tổ chức (tăng 165,8%).
Trong công tác đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, các Trung tâm Đăng ký đã tăng cường thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ. Nhờ đó, việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính đăng ký biện pháp bảo đảm thuộc thẩm quyền đã được số hóa 100%, trong đó tỷ lệ thực hiện thủ tục đăng ký trực tuyến đạt 87% (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023). Bên cạnh đó, các Trung tâm Đăng ký đã thực hiện việc giảm 20% phí cho các cá nhân, tổ chức khi yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản theo quy định tại Thông tư số 43/2024/TT-BTC ngày 28/6/2024 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã chủ động, kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan trong xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy và đề xuất đổi mới, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cục giai đoạn 2026 - 2031 theo đúng tinh thần chỉ đạo và định hướng của Ban Chỉ đạo của Bộ Tư pháp về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn -mạnh, hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả. Đồng thời, chú trọng xây dựng đội ngũ viên chức, người lao động thực hiện nghiệp vụ đăng ký có năng lực trình độ, chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ và thái độ, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Năm 2024 cũng là năm đầu tiên, Cục thực hiện kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với viên chức, người lao động tại các Trung tâm Đăng ký. Việc kiện toàn, bổ nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý của Cục được thực hiện theo quy định, đảm bảo dân chủ, khách quan; thể chế, quy định cho viên chức làm công tác đăng ký được nghiên cứu, hoàn thiện; việc đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Cục tiếp tục được quan tâm, đảm bảo đầy đủ, kịp thời.
Đối với các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm sẽ tuân thủ, triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng quy định đề án, phương án của cấp có thẩm quyền về đổi mới, sắp xếp mô hình tổ chức, bộ máy, phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Cục, gắn với hiệu quả chung về đổi mới, sắp xếp mô hình tổ chức, bộ máy của Bộ, ngành Tư pháp; tập trung nghiên cứu, rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật, hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm. Bên cạnh đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hiệu quả Kế hoạch “Chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” gắn với hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng cao và quản lý, tích hợp, kết nối cơ sở dữ liện về biện pháp bảo đảm thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp...
Nghiên cứu, xây dựng phương án đề xuất xây dựng Luật về giao dịch bảo đảm
Tại Hội nghị, đại diện các phòng thuộc Cục, Trung tâm Đăng ký và đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã góp ý dự thảo Báo cáo tổng kết công tác năm 2024 của Cục; đồng thời đề xuất một số ý kiến đối với Cục như: cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về vị trí, vai trò của Trung tâm Đăng ký; nâng cấp, mở rộng Hệ thống đăng ký trực tuyến để đáp ứng kịp thời nhu cầu của cá nhân, tổ chức; thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu...
 







Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá, năm 2024 là một năm thành công của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Trong đó có thể kể đến việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm; tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là trong chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số. Đặc biệt, với những nỗ lực, cố gắng không ngừng trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trong năm nay, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã được vinh danh ở hạng mục Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024.
Năm 2025 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức với không chỉ Bộ, ngành Tư pháp nói chung và với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nói riêng. Vì vậy, trong bối cảnh mới hiện nay, Thứ trưởng mong muốn Cục tiếp tục nâng cao tinh thần đổi mới, cách mạng, sáng tạo, thay đổi từ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; đoàn kết, thống nhất để xử lý công việc ngày càng hiệu quả hơn. Thứ trưởng cũng đề nghị Cục tiếp tục rà soát, bám sát theo định hướng của Chính phủ và nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác của Bộ, ngành Tư pháp để sớm hoàn thiện Kế hoạch công tác của Cục.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cấp uỷ, lãnh đạo Cục, phòng, Trung tâm nâng cao nhận thức về yêu cầu, định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tuân thủ, triển khai kịp thời đề án, phương án sắp xếp, không để gián đoạn các công việc được giao.
 

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu kết luận Hội nghị.

Về công tác hoàn thiện thể chế, Thứ trưởng đề nghị Cục tiếp tục tổ chức triển khai thi hành nghiêm các quy định liên quan đến lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và đăng ký biện pháp bảo đảm trong các văn bản quy phạm pháp luật mới do Quốc hội, Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành. Đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án đề xuất xây dựng Luật về giao dịch bảo đảm để thúc đẩy các biện pháp bảo đảm, rút gọn quy trình thủ tục đăng ký, quy trình xử lý tài sản.
Thứ trưởng cũng đề nghị Cục cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò tham mưu cho Chính phủ về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm; chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Đối với 3 Trung tâm Đăng ký, Thứ trưởng đề nghị 3 Trung tâm phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ để củng cố, định hình mô hình quản lý; chủ động đổi mới, sáng tạo trong triển khai công tác để khẳng định vai trò, vị trí của mình; cùng với đó tăng cường đầu tư cho hệ thống an toàn, an ninh mạng.
Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ có liên quan tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, giúp Cục hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đưa công tác đăng ký biện pháp bảo đảm ngày càng phát triển bền vững.
 

Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.

Thay mặt lãnh đạo Cục, đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng và các ý kiến đóng góp của đại diện các đơn vị thuộc Bộ để xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động cụ thể và tổ chức thực hiện có hiệu quả, khai thác tối đa các thuận lợi, hạn chế những khó khăn; qua đó từng bước nâng cao vị thế của Cục, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển chung của Bộ, ngành Tư pháp.
 

Phó Cục trưởng Văn Thị Khanh Thư công bố Quyết định trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Giấy khen chuyên đề của Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.
 
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 12 năm triển khai công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản và trao Giấy khen chuyên đề của Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho các cá nhân, tập thể.
 

 

Anh Thư - Trung tâm Thông tin