Bộ Tư pháp tổ chức kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng lần năm (khu vực phía bắc)

22/12/2024
Bộ Tư pháp tổ chức kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng lần năm (khu vực phía bắc)
Ngày 21/12, Bộ Tư pháp tổ chức kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng lần thứ năm (khu vực phía bắc). Thứ trưởng Mai Lương Khôi làm Chủ tịch Hội đồng thi.
Phát biểu khai mạc kỳ kiểm tra, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh, chức năng xã hội của công chứng viên là cung cấp “dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm”; thay mặt Nhà nước bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Với vai trò, chức năng quan trọng như vậy, cần có sự đánh giá, lựa chọn nghiêm túc, khách quan, chặt chẽ nhằm xác định đúng những người đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp để bổ nhiệm làm công chứng viên. 
 

Ảnh: Bổ trợ tư pháp
 
Triển khai quy định của Luật Công chứng và Thông tư số 04/2015/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng, Bộ Tư pháp đã tổ chức 04 kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng. Các kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng đều được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ không chỉ góp phần chọn lọc những người đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người tập sự khác trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tập sự để việc tập sự thực chất, hiệu quả. 
Thứ trưởng cho biết thêm, ngày 02/10/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BTP hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng (có hiệu lực từ ngày 20/11/2023), thay thế Thông tư số 04/2015/TT-BTP. So với Thông tư số 04, Thông tư số 08 có nhiều điểm mới về đăng ký tập sự, thời gian tập sự, tạm ngừng tập sự, chấm dứt tập sự...., đặc biệt là các quy định mới về việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng (hình thức kiểm tra, đăng ký tham dự kiểm tra, trách nhiệm tổ chức kiểm tra.....). 
Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Công chứng năm 2024 đã khẳng định yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với hoạt động công chứng ở nước ta trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số, hội nhập kinh tế quốc tế, buộc chúng ta phải có sự chuẩn bị đầy đủ và nghiêm túc trong việc xây dựng đội ngũ công chứng viên. 
 

Ảnh: Bổ trợ tư pháp
 
Trong bối cảnh trên, để tiếp tục nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ công chứng viên, góp phần phát triển đội ngũ công chứng viên theo định hướng ổn định, bền vững, chất lượng cao, Kỳ kiểm tra lần thứ năm lần này có ý nghĩa vô cùng to lớn. Thứ trưởng yêu cầu việc tổ chức kỳ kiểm tra phải bảo đảm nghiêm túc, công khai, công bằng, khách quan, trung thực, hiệu quả, khoa học, tiết kiệm và thực hiện đúng quy định của pháp luật; nội dung kiểm tra phải đáp ứng yêu cầu kiểm tra, phân loại, đánh giá năng lực của thí sinh, trên cơ sở đó lựa chọn được những người có đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, bảo đảm về đạo đức nghề nghiệp để trở thành công chứng viên; đồng thời đề nghị thành viên Hội đồng kiểm tra, các Ban và các thí sinh phải thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong quá trình chuẩn bị và tổ chức kỳ kiểm tra. 
 

Ảnh: Bổ trợ tư pháp
 
Với tinh thần làm việc hết sức trách nhiệm, trí tuệ của Hội đồng, các Ban giúp việc và sự nghiêm túc của thí sinh, Thứ trưởng tin tưởng rằng chất lượng tập sự hành nghề công chứng, kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng và chất lượng công chứng viên sẽ tiếp tục được nâng cao, hoạt động công chứng sẽ chuyên nghiệp hơn, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước, nhu cầu dịch vụ công của người dân, yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Sau phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Mai Lương Khôi, các thí sinh tham dự kỳ kiểm tra đã thực hiện nghiêm Nội quy, bình tĩnh, tự tin làm bài để đạt kết quả cao nhất. 
 
Kỳ kiểm tra lần thứ năm được chia thành 02 khu vực:
- Khu vực kiểm tra phía Bắc gồm thí sinh của 41 tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk.
- Khu vực kiểm tra phía Nam gồm thí sinh của 22 tỉnh, thành phố: Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.