Chiều 19/12, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Hải Ninh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào Phây-vi Xi-bua-lị-pha , Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ 6 đã diễn ra tại tại thủ đô Vientiane, Lào.
Phát biểu khai mạc, thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh gửi tới đồng chí Bộ trưởng Phây-vi Xi-bua-lị-pha, các đồng chí Lãnh đạo Bộ và toàn thể cán bộ, công chức của Bộ Tư pháp Lào những tình cảm thân thiết và lời cảm ơn chân thành nhất về sự đón tiếp vô cùng chu đáo và thân tình mà các đồng chí dành cho Đoàn công tác của Bộ, ngành Tư pháp Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Hải Ninh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào Phây-vi Xi-bua-lị-pha
Nhân dịp này, Bộ trưởng nồng nhiệt chúc mừng đất nước Lào anh em đã và đang triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2024 và Chủ tịch Đại Hội đồng liên Nghị viên ASEAN (AIPA) lần thứ 45, qua đó nâng cao vai trò và vị thế của Lào trong khu vực và trên trường quốc tế.
Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển kể từ khi Hiệp định Hợp tác về mặt pháp lý và tư pháp giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa DCND Lào được ký kết năm 1982, quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Lào nói chung, giữa Bộ, ngành Tư pháp hai nước nói riêng ngày càng gắn bó và không ngừng được tăng cường, mở rộng theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, với nội dung hợp tác phong phú cả ở cấp Trung ương và địa phương, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của hai nước.
Điểm lại các hoạt động hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, ở cấp Trung ương, Bộ Tư pháp hai nước Việt Nam và Lào luôn nỗ lực phối hợp tích cực, chặt chẽ để tăng cường, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Bên thông qua việc ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng và tổ chức triển khai các hoạt động hợp tác thường xuyên, ổn định.
Hai Bên đã tiến hành các hoạt động như thăm luân phiên hằng năm giữa hai Bộ trưởng Việt Nam – Lào; trao đổi các đoàn cấp Cục, Vụ sang học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; phối hợp trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Bộ Tư pháp trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào; phối hợp thực hiện thành công Dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp quốc gia Lào – dự án đầu tiên trong lĩnh vực pháp luật sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Lào đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu của cả hai Chính phủ.
Hai Bộ trưởng cùng các đại biểu tham dự Hội nghị
Ở cấp địa phương, với sự khuyến khích, ủng hộ và tạo điều kiện của Bộ Tư pháp hai nước, quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự địa phương của Việt Nam và Lào, đặc biệt là ở các tỉnh có chung đường biên giới đã ngày càng phát triển. Trong đó, cơ chế Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng do Bộ Tư pháp hai nước phối hợp tổ chức định kỳ hai năm/lần đã trở thành một diễn đàn hiệu quả để các cơ quan tư pháp và thi hành án dân sự địa phương của các tỉnh có chung đường biên giới, các tỉnh kết nghĩa của hai nước thảo luận, đề xuất những giải pháp tăng cường hợp tác, phối hợp hoạt động góp phần bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân và gìn giữ đường biên giới hòa bình giữa hai nhà nước Việt Nam - Lào.
Đến thời điểm hiện tại, các Sở Tư pháp của 24 cặp tỉnh Việt Nam – Lào (trong đó có 10 cặp tỉnh đường biên và 06 tỉnh/thành phố có quan hệ kết nghĩa) đã ký kết các Thỏa thuận hợp tác/Biên bản ghi nhớ; nhiều Thỏa thuận/Biên bản ghi nhớ hợp tác đã được triển khai thực hiện hiệu quả; các cuộc trao đổi, tiếp xúc dưới nhiều hình thức ở cấp địa phương giữa các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự của Việt Nam và Lào đã được tăng cường tổ chức. Các địa phương của Việt Nam ở khu vực giáp biên giới với Lào cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai công tác hộ tịch, quốc tịch, thi hành án dân sự, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở cho người dân vùng biên, trong đó có người dân Lào.
Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ 6 là một sự kiện quan trọng nhằm cải thiện chất lượng công tác tư pháp, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại mỗi nước. Đồng thời Hội nghị này cũng là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, là thành quả của tình bạn, tình đồng chí thủy chung, son sắt giữa Bộ và ngành Tư pháp hai nước.
Bộ trưởng mong muốn và tin tưởng rằng Hội nghị sẽ đánh giá một cách khách quan, tổng thể và đầy đủ tình hình triển khai thực hiện kết luận Hội nghị lần thứ năm, tiếp tục đưa ra những kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện cơ chế phối hợp linh hoạt, kịp thời và thực chất hơn giữa hai Bộ Tư pháp cũng như giữa các cơ quan tư pháp, thi hành án địa phương của các tỉnh khu vực biên giới và một số tỉnh khác của hai nước Việt Nam - Lào.
Đặc biệt, Bộ trưởng hi vọng các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ phát huy tinh thần “vừa là đồng chí, vừa là anh em” để trao đổi thẳng thắn, đề xuất các nội dung, phương thức hợp tác hữu hiệu nhằm phối hợp giải quyết các hệ quả pháp lý cho người dân khu vực biên giới hai nước, nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sinh sống dọc biên giới hai nước được ổn định cuộc sống và bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng mà Hiến pháp của hai nước đã dành cho họ.
Những kết quả quan trọng mà hai bên đạt được trong Hội nghị này sẽ tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ hợp tác gắn bó keo sơn giữa hai Bộ, Ngành Tư pháp Việt Nam và Lào phát triển sâu sắc hơn và hiệu quả hơn, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng, bình yên và bền vững của các tỉnh đường biên giới cũng như vào việc gìn giữ và vun đắp Quan hệ Hữu nghị vĩ đại Việt Nam – Lào.
Về phần mình, Bộ Tư pháp Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho hợp tác với Bộ Tư pháp Lào và coi Bộ Tư pháp Lào là đối tác, người anh em thân thiết, tin cậy và sẽ luôn làm hết sức mình để ủng hộ, đồng hành với Bộ, ngành Tư pháp Lào trong quá trình phát triển, thực hiện các nhiệm vụ do Đảng và Chính phủ Lào giao trên các lĩnh vực xây dựng hoàn thiện pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp luật...; ủng hộ và tạo điều kiện phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các cơ quan tư pháp, thi hành án địa phương của hai nước, tiếp tục tích cực phối hợp cùng Bộ Tư pháp Lào duy trì hoạt động hiệu quả của cơ chế Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng.
Thu Hằng - Hồng Thúy
Báo Pháp luật Việt Nam