Ngày 28/11, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì phiên họp.
Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, qua hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007, công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù đã đạt được nhiều kết quả, góp phần tạo điều kiện tốt hơn cho người đang chấp hành án phạt tù và nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân.
Toàn cảnh phiên họp.
Bên cạnh kết quả đạt được, quy định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trong Luật TTTP năm 2007 và hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Luật TTTP điều chỉnh chung cả bốn lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nhưng mỗi lĩnh vực lại có đối tượng, phạm vi điều chỉnh với tính chất đặc thù riêng, mục đích và nguyên tắc hợp tác khác nhau; chủ thể yêu cầu, chủ thể thực hiện, trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện các yêu cầu TTTP trong từng lĩnh vực hoàn toàn độc lập và khác nhau...
Đại diện Bộ Công an trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.
Vì vậy, việc ban hành Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là cần thiết nhằm hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo hướng nhân đạo, toàn diện, cụ thể, đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Bên cạnh đó, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù cũng giúp bảo đảm quyền con người của người đang chấp hành án phạt tù; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Cần rà soát để đảm bảo sự thống nhất giữa các quy định trong dự thảo Luật với hệ thống pháp luật
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, cho ý kiến về nội dung dự thảo Luật. Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, theo dự thảo Luật, trong trường hợp Việt Nam là bên nhận yêu cầu chuyển giao từ phía nước ngoài, việc ra quyết định đồng ý chuyển giao sẽ do Toà án quyết định. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa nêu rõ trong trường hợp Việt Nam là bên lập yêu cầu chuyển giao thì Bộ Công an có cần chuyển hồ sơ chuyển giao cho Toà án xem xét và quyết định không. Do đó, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình thêm về nội dung này.
Đại diện Bộ Ngoại giao (trái).
Đối với việc thống kê số lượng công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù tại nước ngoài, đồng chí đề nghị cân nhắc điều chỉnh theo hướng “thống kê số lượng công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù tại nước ngoài có nhu cầu được chuyển giao về Việt Nam”. Đồng chí cũng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo sử dụng thống nhất thuật ngữ “người được phép cư trú không thời hạn tại nước nhận”; rà soát tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về trường hợp từ chối tiếp nhận, từ chối chuyển giao…
Đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, Điều 23 và Điều 44 dự thảo Luật đều chấp nhận việc tiếp nhận, chuyển giao văn bản, tài liệu, hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam và hồ sơ chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài trên môi trường điện tử theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo Điều 12 dự thảo Luật, một trong những điều kiện hợp lệ của hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là phải được chuyển qua kênh ngoại giao hoặc trực tiếp giữa các Cơ quan trung ương trong hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần điều chỉnh các quy định để đảm bảo sự đồng nhất trong dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 28 dự thảo Luật cũng quy định “Sau khi tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù về Việt Nam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi Tòa án nhân dân đã ra quyết định thi hành quyết định tiếp nhận có trách nhiệm tổ chức giam giữ, hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Bộ Công an ra quyết định đưa người đó đến nơi chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”. Tuy nhiên, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 không quy định trách nhiệm của cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh trong việc tổ chức giam giữ; đồng thời việc quyết định đưa người đang chấp hành án phạt tù đến nơi chấp hành án cũng không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự mà thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát nội dung của dự thảo Luật với Luật Thi hành án hình sự năm 2019, tránh chồng chéo trong trách nhiệm, quyền hạn giữa các cơ quan.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc kết luận phiên họp.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; đồng thời đánh giá dự thảo Luật đã thể chế hoá đầy đủ 3 chính sách được phê duyệt. Dự thảo Luật cũng phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; đảm bảo tính hợp hiến; tuy nhiên cần tiếp tục rà soát với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan như: Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, theo tinh thần, quan điểm mới của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ quy định những nội dung mang tính khung, nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội và giao Chính phủ quy định các nội dung chi tiết. Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần làm rõ các thủ tục có thể phát sinh trong quá trình chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; điều kiện bảo đảm thi hành Luật; quy định về chuyển đổi tội danh, hình phạt…
Anh Thư - Trung tâm Thông tin