Ngày 28/11, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Đổi mới quy trình xây dựng pháp luật” với sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh và Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh. Tham dự có đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học, các đồng chí Lãnh đạo đại diện các bộ, ngành.
Đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật với 3 bảo đảm
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết Bộ Tư pháp được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp cùng các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Đây là dự án Luật quan trọng, phức tạp có ảnh hưởng rất lớn đến công tác xây dựng pháp luật. Trong bối cảnh đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác xây dựng pháp luật càng có ý nghĩa then chốt, nhằm tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông, huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho phát triển, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Bộ Tư pháp xác định, việc xây dựng dự án Luật này phải thực hiện nghiêm túc Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó lưu ý một số chỉ đạo mang tính chiến lược.
Theo đó, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, trong đó đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Việc xây dựng chương trình xây dựng pháp luật hằng năm cần bám sát 02 yêu cầu: phải trên cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam và thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng; tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới.
Trong xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia.
Đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật với 3 bảo đảm: Thứ nhất là bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tiễn, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất và chất lượng xây dựng pháp luật; thứ hai là bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất; thứ ba là bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động.
Phân định rõ quy trình xây dựng chính sách và quy phạm hóa chính sách. Chính sách phải cụ thể, rõ ràng. Nghiên cứu việc tổ chức soạn thảo VBQPPL tập trung, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, thống nhất. Quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, nhất là người đứng đầu trong từng khâu của quy trình xây dựng VBQPPL. Phát huy cao độ tính đảng trong xây dựng, thi hành pháp luật.
Do vậy, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với nội dung đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, trong đó, bảo đảm phân biệt rõ quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo VBQPPL; thể hiện rõ quan điểm, ưu nhược điểm của của phương án, giải pháp đề xuất trong bối cảnh yêu cầu đổi mới hiện nay cũng như kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình công tác. Đề xuất phương án đổi mới quy trình xây dựng pháp luật phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
“Công tác xây dựng pháp luật có vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa then chốt để nắm bắt cơ hội, khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, chăm lo cho Nhân dân. Tôi tin tưởng, với kinh nghiệm, trí tuệ và sự quyết tâm của các chuyên gia, các nhà khoa học, các đồng chí Lãnh đạo đại diện các bộ, ngành, buổi Tọa đàm hôm nay sẽ đem lại nhiều ý kiến quý báu để Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật trong thời gian tới”, Thứ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Tọa đàm.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, Tọa đàm được tổ chức với mục đích trao đổi, cho ý kiến đối với đề xuất nội dung đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, trong đó phân biệt rõ quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo VBQPPL; đề xuất giải pháp cụ thể nâng cao tính chuyên nghiệp trong xây dựng pháp luật.
Công tác này cũng liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp theo tinh thần chỉ đạo tinh gọn bộ máy của đồng chí Tổng Bí thư trong thời gian gần đây. Theo đó, nghiên cứu đề xuất có xây dựng cơ quan soạn thảo chuyên nghiệp hay không trên tinh thần chung là đổi mới, thẳng thắn, khoa học vì công việc chung của đất nước.
TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp phát biểu tại Tọa đàm.
Đồng chí Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu tại Tọa đàm.
Tiếp đó, Tọa đàm đã được nghe TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp khái quát chung về quy trình xây dựng luật ở các quốc gia trên thế giới, đồng chí Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp báo cáo đề xuất đổi mới quy trình xây dựng luật.
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ khẳng định đây là cơ hội để sửa đổi toàn diện, cơ bản Luật Ban hành VBQPPL. Theo đó, đồng chí đề xuất bỏ chương trình xây dựng pháp luật hàng năm của Quốc hội vì gây ra nhiều hệ lụy chậm, rút, hoãn, thay vào đó cần có định hướng nghiên cứu lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội, lập “dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội”. Trên cơ sở đó, Chính phủ có thể xây dựng kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm. Ủy ban Pháp luật sẽ tiến hành thẩm tra sơ bộ về quy trình, thủ tục; Ủy ban thường vụ Quốc hội tập hợp trình Quốc hội. Như vậy, các Ủy ban Quốc hội sẽ có nhiều thời gian hơn để thẩm tra.
Đồng chí Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ phát biểu tạiToạ đàm.
Đồng chí cũng nhấn mạnh tới việc tập trung vào giai đoạn lập đề án, chính sách; thực hiện nghiêm quy trình đánh giá tác động chính sách, bên cạnh đánh giá tác động của cơ quan chủ trì soạn thảo phải có đánh giá tác động độc lập của các tổ chức, cơ quan khác...
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp phát biểu tại Toạ đàm.
Còn theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng tại khâu xây dựng chính sách cần đi kèm dự thảo luật. Giai đoạn này, cần đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc đánh giá tác động chính sách để làm cơ sở cho soạn thảo dự án luật.
Đồng chí Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại Toạ đàm.
Tại Toạ đàm, đồng chí Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật, quản lý nhà nước, xã hội, đối nội, đối ngoại. Chỉ ra đặc thù trong công tác xây dựng ở nước ta đó là kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và luôn có sự phối hợp giữa các cơ quan, đồng chí cho rằng ngay giai đoạn đầu xây dựng Luật giao cho Chính phủ để phân công Bộ, ngành soạn thảo; trước khi trình Quốc hội phải có ý kiến Chính phủ mới đảm bảo thống nhất...
TS. Dương Thị Thanh Mai phát biểu tại Toạ đàm.
Trao đổi, chia sẻ tại Toạ đàm, TS. Dương Thị Thanh Mai nêu rõ: Chương trình xây dựng pháp luật hiện nay phải đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 27 ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, đó là giải quyết vấn đề thực tiễn kịp thời, tạo khuôn khổ pháp lý cho những vấn đề mới.
“Điều quan trọng nhất chúng ta hướng đến là thúc đẩy nhanh nhất dự án luật đến Quốc hội chứ không nên lệ thuộc vào chương trình xây dựng pháp luật. Để tạo tính linh hoạt và chủ động, tôi cho rằng nên xây dựng Chương trình xây dựng pháp luật của mỗi Kỳ họp Quốc hội”, TS.Thanh Mai nói.
Ngoài ra, TS. Thanh Mai cũng cho ý kiến về vấn đề đánh giá thủ tục hành chính, đánh giá tác động bình đẳng giới, phản ứng chính sách, thẩm quyền trình dự án luật của các cơ quan tư pháp, phạm vi đến đâu để phù hợp Hiến pháp và một số Luật như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Luật Tư pháp người chưa thành niên…
Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, tính liên thông giữa chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, quy trình xây dựng pháp luật cần bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, các quy định của Bộ Chính trị, Thông báo số 108-TB/VPTW về Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp ngày 7/11/2024, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cần thiết kế quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, tính liên thông giữa chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước. Đây chính là bảo đảm tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, cần nâng cao sự phối hợp giữa các chủ thể trong các giai đoạn xây dựng pháp luật, đồng thời cũng phải phân định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các chủ thể, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật. Ngoài ra, cũng cần phân định rõ 2 quy trình lập pháp và lập quy, quy trình lập quy phải được quy định theo hướng đơn giản, linh hoạt, phản ứng chính sách nhanh hơn.
Bộ trưởng yêu cầu, dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) cần được làm theo hướng ngắn gọn, không quá chi tiết, đảm bảo đúng thẩm quyền, phù hợp quan hệ pháp luật được điều chỉnh. Bên cạnh quy trình xây dựng pháp luật thông thường phải có quy trình rút gọn. Phải có quy định về giải thích pháp luật, hướng dẫn pháp luật đối với những văn bản dưới luật. Có cơ chế ủy quyền lập pháp để tránh “khoảng trống” pháp lý. Trừ những nội dung mật, quy trình xây dựng pháp luật phải được công khai, minh bạch, có sự tham gia của các bên, nhất là các bên chịu tác động.
Bộ trưởng lưu ý, quy trình xây dựng chính sách nên có sự tách bạch với quy trình soạn thảo dự thảo VBQPPL; cần làm khâu này kỹ càng bởi quyết định đến tính ổn định của pháp luật. Về nguyên lý quy trình này thuộc thẩm quyền Chính phủ, tuy nhiên quá trình làm tham vấn ý kiến các Ủy ban của Quốc hội; chính sách phải cụ thể, rõ ràng, đạt được mục tiêu giải quyết những vấn đề nhận diện ban đầu.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý tới cơ chế đánh giá tác động, cơ chế tham vấn, cơ chế giải trình phải rõ ràng và cần được quan tâm hơn; giá trị thẩm định của Bộ Tư pháp đối với quy trình xây dựng chính sách phải đúng tính chất thẩm định chứ không phải góp ý. Về quy trình quy phạm hóa chính sách, cần tiếp tục nghiên cứu về việc có nên soạn thảo theo hướng chuyên nghiệp hay không, theo mô hình tập trung hay phi tập trung, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo chất lượng. Với thực tế hiện nay, Bộ trưởng cho rằng, các Bộ chủ quản sẽ chủ trì soạn thảo VBQPPL, Bộ Tư pháp tiến hành rà soát, kiểm tra trước khi trình là phù hợp đồng thời để tránh cài cắm lợi ích nhóm.
Nam Hải