Đẩy mạnh công tác truyền thông về Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã có cuộc trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề này.
- Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về việc Báo PLVN mở chuyên mục "Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”?
Là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, ngay từ năm 2021, thời điểm đang nghiên cứu, tham mưu xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Báo PLVN đã cho ra mắt chuyên mục xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ và Nhân dân trao đổi, hiến kế về xây dựng Nhà nước pháp quyền; góp phần cung cấp các thông tin, cứ liệu hữu ích trong quá trình soạn thảo, thảo luận để Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Sau khi Nghị quyết số 27-NQ/TW được ban hành, Chuyên mục cũng đã có nhiều bài viết phản ánh trung thực, sinh động quá trình tổ chức triển khai Nghị quyết, đồng thời tuyên truyền, góp phần đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.
Đến nay, gần 02 năm sau khi Nghị quyết số 27-NQ/TW được ban hành, chúng ta đã thấy được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; từng cơ quan, đơn vị, cấp ủy đảng đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo các Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài viết "Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" cũng đã khẳng định “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; có nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Tiếp nối và phát huy tư tưởng, những di sản, đóng góp to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; kiên định, nỗ lực hiện thực hóa ý nguyện của Đồng chí lúc sinh thời: “Nhà nước pháp quyền mà chúng ta xây dựng là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng”, tôi cho rằng việc Báo PLVN ra mắt chuyên mục “Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên cơ sở chuyên mục Xây dựng Nhà nước pháp quyền là hết sức cần thiết, kịp thời. Với Chuyên mục mới này, tôi đề nghị Báo PLVN tiếp tục tuyên truyền những vấn đề mang tính nguyên tắc, quan điểm, nội dung chủ yếu, xuyên suốt của Nghị quyết đến những kết quả đạt được trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân; những thời cơ, thách thức và yêu cầu về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giai đoạn mới của đất nước; đồng thời có nhiều bài viết hơn nữa phản ánh sâu sắc những nội dung về xây dựng nhà nước pháp quyền liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp.
- Theo quan điểm của Thứ trưởng, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay cần ưu tiên, tập trung vấn đề gì?
Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từng nhóm nhiệm vụ đều rất quan trọng và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Ở góc độ Bộ Tư pháp, với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật thì cần tập trung, ưu tiên tham mưu công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Những năm gần đây Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều đổi mới, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện thể chế. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Chất lượng nhiều dự án luật được nâng cao và đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo động lực cho sự phát triển. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Đây là những minh chứng rõ nét về sự quan tâm, đổi mới của Chính phủ trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV do Chính phủ phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan tổ chức mới đây, chỉ rõ "5 tạo lập" của thể chế đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thể chế phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, phục vụ Nhân dân và các yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới, đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tích cực trong công tác tham mưu, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật. Là một trong ba đột phá chiến lược được xác định tại Đại hội XIII của Đảng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế luôn được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, dành nhiều thời gian, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hoá quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật; tham gia có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc về pháp lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo Báo cáo số 587/BC-CP của Chính phủ trình Quốc hội khoá XV tại Kỳ họp thứ 6, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn những vướng mắc, bất cập nhất định, một số quy định còn lạc hậu, chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội; tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành chưa được khắc phục triệt để. Do đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế vừa là đòi hỏi, yêu cầu từ thực tiễn, vừa là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Để nâng cao chất lượng hoàn thiện thể chế cần những giải pháp gì, thưa Thứ trưởng?
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều yêu cầu, chỉ đạo về nâng cao chất lượng hoàn thiện thể chế, pháp luật như Chỉ thị số 43-CT/TTg ngày 11/12/2020, Văn bản số 301/TTg-PL ngày 06/4/2022, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023, các Nghị quyết phiên họp Chuyên đề xây dựng pháp luật và Chính phủ thường kỳ… Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các yêu cầu, chỉ đạo đó, theo tôi, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
+ Cần tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, phát huy vai trò của người đứng đầu; bám sát mục tiêu và 05 quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 27-NQ/TW, “xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Đồng thời, cần nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước để bảo đảm mọi chủ trương, chính sách của Đảng thông qua pháp luật sẽ đi vào thực tiễn đời sống xã hội. Mặc khác, xây dựng thể chế là vấn đề khó và phức tạp, do đó cần tập trung ưu tiên bảo đảm nguồn lực, đặc biệt nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật.
+ Các Bộ, ngành, địa phương khi tổ chức thi hành các đạo luật chuyên ngành cần đặt trong mối quan hệ tổng thể của hệ thống pháp luật và áp dụng quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý các vấn đề có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc 01 nội dung được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp có khó khăn vướng mắc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn hoặc giải thích theo quy định của pháp luật.
+ Tăng cường truyền thông chính sách, pháp luật “từ sớm, từ xa” theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027". Làm tốt công tác này sẽ bảo đảm phát huy dân chủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thu hút sự tham gia, góp ý của người dân và doanh nghiệp để văn bản có chất lượng, phản ánh thực tiễn quan hệ xã hội, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, để pháp luật thực sự là công cụ hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội và tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả; là tiền đề hoàn thành các mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Trân trọng cám ơn Thứ trưởng!
Hồng Thuý – Thu Hằng – Vân Anh – Nhật Hồng