Thực hiện Quyết định số 542/QĐ-BTP ngày 01/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2024, chiều ngày 02/8, Đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bạc Liêu. Thành phần Đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Lãnh đạo và cán bộ thuộc Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.
Tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra có đồng chí Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đồng chí Ngô Vũ Thăng – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cùng đại diện Lãnh đạo các sở: Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Công an tỉnh; Cục Quản lý thị trường; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Thanh tra tỉnh; UBND thành phố Bạc Liêu; UBND thị xã Giá Rai; UBND các huyện: Vĩnh Lợi, Phước Long, Đông Hải, Hòa Bình, Hồng Dân,… và một số đơn vị có liên quan.
Đồng chí Đặng Hoàng Oanh – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Đoàn kiểm tra phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Hoàng Oanh – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Đoàn kiểm tra đã phát biểu về tầm quan trọng, căn cứ pháp lý, mục đích, nội dung, phương thức kiểm tra và một số vấn đề cần lưu ý của việc kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng nhấn mạnh, việc kiểm tra nhằm nắm bắt đầy đủ thực trạng tình hình triển khai nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; làm rõ những ưu, nhược điểm, khó khăn, vướng mắc, từ đó giúp địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Các đại biểu phát biểu tại buổi làm việc.
Tiếp đó, đại diện UBND tỉnh Bạc Liêu trình bày Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/3/2024). Trên cơ sở Báo cáo và kết quả kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm (tại UBND tỉnh Bạc Liêu và các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo) thành viên Đoàn kiểm tra và đại diện các cơ quan, đơn vị được kiểm tra đã cùng nhau trao đổi, phân tích để làm rõ những vấn đề còn vướng mắc trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm tính pháp chế trong hoạt động xử lý vi phạm hành chính; công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp thanh tra việc thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo; vấn đề áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính...
Các đại biểu tham dự buổi làm việc.
Kết luận sơ bộ tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã được Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu rất quan tâm, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tương đối hiệu quả và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trong đó phải kể đến vai trò đặc biệt của Sở Tư pháp trong việc chủ trì, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương. Kết quả này được thể hiện rõ nét thông qua kết quả kiểm tra hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính tại các sở và UBND tỉnh Bạc Liêu đều thực hiện rất bài bản, đúng trình tự, thủ tục. Các sai sót được phát hiện chủ yếu là các sai sót có tính chất kỹ thuật hoặc xuất phát từ những vướng mắc, bất cập của pháp luật; một số ít sai sót về mặt nội dung, áp dụng pháp luật thì xuất phát từ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện hoặc cách hiểu để áp dụng pháp luật chưa đúng, cần được chỉ ra để các đơn vị rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Bạc Liêu để nghiên cứu, tổng hợp xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết./.