Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi tại Hội nghị sơ kết công tác 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2024 của Cục Bổ trợ tư pháp.
Các nhóm nhiệm vụ được triển khai đồng bộ
Theo Báo cáo tại Hội nghị, trong 7 tháng đầu năm, Cục đã tham mưu cho Bộ ban hành Thông tư số 03/2024/TT-BTP ngày 15/5/2024 sửa đổi, bổ sung 08 thông tư liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và 08 Quyết định công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, Cục đã tham mưu, xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Hiện nay, Cục đang khẩn trương tham mưu xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành (01 nghị định, 03 thông tư).
Bên cạnh đó, Cục đang xây dựng Dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi); Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi); Dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 04 nghị định liên quan đến thủ tục hành chính…
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng phát biểu tại Hội nghị.
Đối với lĩnh vực luật sư, trong 7 tháng đầu năm 2024, Cục tiếp tục phối hợp với một số đơn vị liên quan và Liên đoàn Luật sư Việt Nam hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành (về miễn đào tạo nghề, tập sự hành nghề luật sư, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư, hình thức hành nghề luật sư ...).
Trong lĩnh vực công chứng, Cục tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong quá trình triển khai Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện Thông tư số 08/2023/TT-BTP ngày 02/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng. Đồng thời, trong 7 tháng đầu năm, Cục đã tiếp nhận, thẩm tra, tham mưu bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên đối với 13 trường hợp, miễn nhiệm công chứng viên đối với 6 trường hợp; miễn nhiệm thừa phát lại được 6 trường hợp.
Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đoàn Văn Hường phát biểu tại Hội nghị.
Về lĩnh vực đấu giá tài sản, trọng tài, hoà giải thương mại, quản tài viên, Cục đã tiếp tục rà soát, tổng hợp và trả lời các khó khăn, vướng mắc của địa phương; triển khai Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản; phối hợp với Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế trong việc tổng kết Luật Phá sản năm 2014… Bên cạnh đó, Cục đã tiếp nhận, thẩm tra, tham mưu cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề quản tài viên 113 trường hợp, thu hồi 01 trường hợp; cấp Giấy phép thành lập cho 02 Trung tâm trọng tài thương mại; cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá đối với 04 trường hợp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá đối với 11 trường hợp.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, Cục còn đạt nhiều kết quả trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng Nghị quyết của Ban cán sự về công tác bổ trợ tư pháp; thực hiện Thông báo kết luận số 634-TB/UBKTTW của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về kết luận giám sát đối với Ban cán sự; triển khai Quyết định số 1155/QĐ-BTP ngày 21/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1221/QĐ-BTP ngày 29/6/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Bổ trợ tư pháp và Quyết định số 1155/QĐ-BTP về việc thành lập Thanh tra Cục Bổ trợ tư pháp…
Hoàn thiện pháp luật về bổ trợ tư pháp
Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế về bổ trợ tư pháp: trình Quốc hội ban hành Luật Công chứng (sửa đổi); xây dựng, trình Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi) và Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi); xây dựng dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp,... và tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Đồng thời, Cục Bổ trợ Tư pháp sẽ tham mưu tổ chức kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng lần thứ năm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Thẩm tra hồ sơ đề nghị cấp phép trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo quy định của pháp luật, trong đó lưu ý các hồ sơ cần xác minh và tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình thẩm tra hồ sơ...
Một số đại biểu phát biểu tại Hội nghị.
Tại buổi làm việc, đại diện Cục Bổ trợ Tư pháp và một số đơn vị thuộc Bộ đã trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các mặt công tác của Cục; từ đó đề xuất một số giải pháp tháo gỡ như: tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ đồng thời tăng cường tính chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo và thực hiện trong toàn đơn vị; tăng cường công tác phối hợp giữa đơn vị với các cơ quan trong và ngoài Bộ, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập trong hoạt động của đơn vị, nhất là trong việc hướng dẫn nghiệp vụ về các lĩnh vực bổ trợ tư pháp; tăng cường cơ chế phối hợp với báo chí truyền thông, yêu cầu các tổ chức xã hội nghề nghiệp phối hợp giám sát chặt chẽ hoạt động, ứng xử, phát ngôn trên mạng xã hội của những người hành nghề bổ trợ tư pháp...
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương phát biểu kết luận Hội nghị.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đánh giá cao những kết quả Cục Bổ trợ tư pháp đạt được trong 7 tháng đầu năm với tinh thần trách nhiệm, chủ động, nỗ lực cao trong công việc. Trong các tháng cuối năm 2024, Thứ trưởng đề nghị Cục Bổ trợ tư pháp cần tập trung hoàn thiện, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai công việc; năng động, chủ động, sáng tạo trong công tác cán bộ để sớm kiện toàn bộ máy; sắp xếp, phân công công việc theo đúng chức năng nhiệm vụ của các phòng, ban.
Đặc biệt đối với các lĩnh vực chuyên môn, Cục Bổ trợ Tư pháp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đảm bảo không để xảy ra vi phạm; đảm bảo quản lý nhà nước trọng tâm, trọng điểm từ trung ương đến địa phương; đánh giá, rút kinh nghiệm trong cách làm đối với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản để áp dụng xây dựng, hoàn thiện thể chế…
Thu Nga