Hoàn thiện Báo cáo họp Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản QPPL

31/07/2024
Hoàn thiện Báo cáo họp Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản QPPL
Chiều 31/7, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Thứ trưởng Trần Tiến Dũng làm việc với các đơn vị về tình hình tổng hợp xây dựng Báo cáo và chuẩn bị họp Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo).
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) Hồ Quang Huy cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, trên cơ sở Thông báo số 322/TB-VPCP ngày 15/7/2024 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thường trực Chính phủ về Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, để chuẩn bị tổ chức Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo, Bộ Tư pháp - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã thực hiện các nhiệm vụ hành chính và việc tổ chức nghiên cứu kết quả rà soát, phản ánh, kiến nghị. Đồng thời, thường trực Ban chỉ đạo đã triển khai nhiệm vụ rà soát, xử lý kết quả rà soát được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương cấp tỉnh.
 

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy báo cáo tại cuộc họp.
 
Trên cơ sở nội dung nhiệm vụ được giao và Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo (Quyết định số 81/QĐ-BCĐRSXLVBQPPL ngày 25/7/2024), trong thời gian tới, Thường trực Ban chỉ đạo cần tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ: Tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành khẩn trương gửi báo cáo về kết quả rà soát, xử lý sau rà soát về Bộ Tư pháp và tổng hợp, tổ chức nghiên cứu các kết quả rà soát, chuẩn bị cho các Phiên họp tiếp theo của Ban chỉ đạo; Hoàn thiện các báo cáo, phụ lục và các tài liệu cần thiết khác, đề xuất tổ chức Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo; Tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo theo Quyết định số 81/QĐ-BCĐRSXLVBQPPL, trong đó đặc biệt là các nhiệm vụ từ nay đến Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị có liên quan đã tiến hành trao đổi, thảo luận và đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm triển khai nhiệm vụ theo đúng tiến độ, chất lượng; đồng thời đảm bảo về tài liệu, nội dung cho Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị thường trực Ban chỉ đạo tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành gửi báo cáo và tổng hợp, hoàn thiện báo cáo về kết quả rà soát trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ để trình, xin ý kiến Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 2. Về cơ cấu báo cáo, Thứ trưởng cho rằng cần điều chỉnh để rút ngắn, tóm gọn lại; đồng thời tiếp tục chỉnh lý để đơn giản hóa các vấn đề.
 

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu kết luận tại cuộc họp.
 
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị thường trực Ban Chỉ đạo cần căn chỉnh, đơn giản hóa bố cục Báo cáo theo hướng ngắn gọn, trích dẫn những điểm chính về quá trình thực hiện trước khi đi vào nội dung báo cáo những vấn đề cụ thể; tiếp tục tổng hợp thông tin từ các Báo cáo của bộ, ngành và địa phương để đảm bảo các kiến nghị, đề xuất tại Báo cáo được thống kê đầy đủ, đồng thời có sự sàng lọc, nghiên cứu trên cơ sở ý kiến từ các cơ quan, đơn vị tại các cuộc họp, hội nghị, buổi làm việc trước đó, đặc biệt đối với các nội dung về phân quyền, phân cấp, ủy quyền hay đơn giản hóa thủ tục hành chính vì đây là những vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và chú trọng xử lý vướng mắc.
Bên cạnh đó, thường trực Ban Chỉ đạo cần cân nhắc đưa ra các đề xuất trực tiếp về cơ quan chủ trì xây dựng một luật sửa đổi, bổ sung một số luật, dự kiến các quy trình cần thực hiện để đảm bảo tuân thủ Luật Ban hành văn bản QPPL và thống nhất, phù hợp với Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bên cạnh trách nhiệm và vai trò của Bộ Tư pháp trong việc hỗ trợ cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp còn phải chủ động đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ của mình theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.
 
Thu Nga