Hội nghị tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác ĐKBPBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

18/06/2024
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác ĐKBPBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
Trong 02 ngày từ 17-18/6/2024, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng sự hỗ trợ của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam (Dự án GIZ) đã tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho 20 địa phương tại khu vực miền Nam. Hội nghị do Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì; đồng chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp và bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
 

 
Hội nghị có sự tham dự của nhóm chuyên gia đến từ Thanh Tra Chính phủ (ông Chu Đức Thắng - Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế), Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (ông Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Cục trưởng), Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (bà Phạm Thị Thịnh - Chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng Đăng ký đất đai), Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (ông Phạm Hồng Phúc - Phó Giám đốc Sở); 158 đại biểu đến từ các Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại 20 địa phương thuộc khu vực miền Nam, trong đó có 17 địa phương có Lãnh đạo Sở Tư pháp và Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham dự.
 
  

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá bên cạnh những kết quả tích cực của công tác đăng ký biện pháp bảo đảm nói chung và đăng ký biện pháp bảo bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nói riêng thì thực tế cho thấy còn những tồn tại, hạn chế nhất định trong công tác này đã được phương tiện thông tin đại chúng nêu hoặc thông qua các vụ án cụ thể hoặc qua công tác kiểm tra, thanh tra của ngành Tư pháp và ngành Tài nguyên và Môi trường. Để khắc phục các tồn tại, hạn chế thì cần nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý nhà nước. Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị hôm nay là bước đi đúng hướng tới mục tiêu này. Thông qua Hội nghị lần này, Bộ Tư pháp mong muốn các đại biểu sẽ có thêm kiến thức chuyên môn, kỹ năng trong thực hiện kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm, kịp thời chấn chỉnh sai sót, đưa công tác đăng ký biện pháp bảo đảm tại các địa phương phát triển lành mạnh; thúc đẩy khả năng tiếp cận nguồn vốn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và cả nước.

     

     

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, để bảo đảm việc tổ chức triển khai những quy định tại Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai đã ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác đăng ký đất đai, đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt cũng mong muốn Hội nghị này sẽ giúp nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ địa phương trong thi hành pháp luật về đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đăng ký biện pháp bảo đảm; góp phần bảo đảm môi trường thuận lợi, an toàn cho sự phát triển lành mạnh của các chuỗi cung ứng vốn cho nền kinh tế, cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

  

   

Tại Hội nghị, các đại biểu cùng các Chuyên gia đã cùng trao đổi, làm rõ hơn các vấn đề về liên hệ giữa công tác kiểm tra và công tác thanh tra; đặc biệt là liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước của các cơ quan tại địa phương, các vấn đề về chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, kế hoạch kiểm tra, những vấn đề thường gặp vướng mắc hoặc chưa thống nhất trong áp dụng, thi hành pháp luật về xác định tình trạng pháp lý của quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được dùng để bảo đảm, các nguyên tắc, quy định, nghiệp vụ cơ quan đăng ký cần phải tuân thủ trong giải quyết việc đăng ký nói chung, giải quyết hồ sơ đăng ký, từ chối đăng ký, đăng ký thay dổi, xoá đăng ký, ghi, cập nhật nội dung đăng ký,… nói riêng.


  

Bế mạc Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Hải cảm ơn sự phối hợp trách nhiệm, kịp thời của Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, các Chuyên gia, các đại biểu đến từ các cơ quan của 20 địa phương tới tham dự Hội nghị và Dự án GIZ. Ông Nguyễn Hồng Hải mong muốn, trong thời gian tới, các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ áp dụng vừa thống nhất, vừa chủ động các quy định, nghiệp vụ đã được tập huấn vào thực tiễn công tác tại cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao, đồng thời góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh tại địa phương trong phát triển kinh tế xã hội. Trên cơ sở kết quả Hội nghị, trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để trực tiếp hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền có giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả hướng dẫn nghiệp vụ về đăng ký, về kiểm tra công tác đăng ký bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.