Đẩy mạnh phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới

18/06/2024
Đẩy mạnh phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới
Ngày 18/6, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp.
Đặt mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Luật Điện lực năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2012, năm 2018, năm 2022) đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện; bảo vệ lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực; đồng thời đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 

Đại diện Bộ Công Thương trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật về điện lực cũng cho thấy một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục như: chất lượng xây dựng, tổ chức, triển khai quy hoạch ngành điện chưa cao; cơ chế, chính sách đối với ngành điện còn thiếu đồng bộ; chưa có chính sách khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới;...
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Điện lực là cần thiết nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đẩy mạnh việc phát triển điện năng lượng tái tạo phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền các nội dung hướng dẫn cho Chính phủ, Bộ Công Thương phù hợp với đặc thù của ngành điện lực.
Xác định căn cứ lập và điều chỉnh giá điện phù hợp
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Ngoại giao cơ bản nhất trí với các giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo đối với các ý kiến của Bộ. Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đồng chí cho biết hiện dự thảo Luật có bổ sung quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án điện gió ngoài khơi thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của Thủ tướng Chính phủ. Nghị định số 11/2021/NĐ-CP về giao khu vực biển nhất định cũng quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền giao khu vực biển đối với dự án đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên biển thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định dự án điện gió ngoài khơi nào thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung và làm rõ nội dung này để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
 

Đại diện Bộ Ngoại giao.

Một nội dung khác cũng nhận được sự quan tâm của các thành viên Hội đồng thẩm định là các quy định liên quan đến chính sách giá điện. Về căn cứ lập và điều chỉnh giá bán điện, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam đề xuất giá bán này sẽ do các đơn vị bán lẻ tự quyết định trên cơ sở điều tiết của nhà nước dựa trên các yếu tố như: giá phát điện (khung giá hoặc giá trần thị trường điện); giá truyền tải, phân phối; giá điều độ vận hành hệ thống điện; giá điều hành giao dịch thị trường điện lực; chi phí quản lý.
 

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam.

Trên cơ sở đó, theo đồng chí, cơ quan chủ trì cân nhắc bổ sung một khoản vào Điều 65 dự thảo Luật như sau: “Giá bán lẻ điện tiến tới hai thành phần, được điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế thông số đầu vào, bù đắp các chi phí và hợp nhuận hợp lý để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp, giá bán lẻ được điều chỉnh định kỳ tối thiểu ba tháng một lần”.
Bên cạnh đó, để khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đồng chí đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về cơ chế khuyến khích phát triển hệ thống pin lưu trữu điện năng song song cùng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, cụ thể có thể bổ sung nội dung này vào Điều 21 dự thảo Luật.
 

Đại diện Bộ Tài chính.

Về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong xây dựng giá điện bình quân, đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện khoản 8 Điều 73 Luật giá 2023 không quy định phần trách nhiệm của Bộ Tài chính trong nội dung này: "Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực".
Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát quy định về trách nhiệm phối hợp của Bộ Tài chính trong việc xây dựng giá điện bình quân. Đồng chí đề xuất, khi Bộ Công Thương xin ý kiến các Bộ, ngành có liên quan thì Bộ Tài chính sẽ tham gia với các nội dung theo đúng chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý giá. Đồng thời, đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì rà soát và sử dụng thống nhất các khái niệm “khung giá phát điện bình quân”, “khung giá bán buôn điện bình quân” do Luật Giá năm 2023 chỉ có quy định về “khung giá phát điện”, “khung giá bán buôn điện”.
Làm rõ các quy định về đầu tư các dự án điện
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ càng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Nhìn chung, dự án Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước; đồng thời bám sát và thể chế hoá đầy đủ 6 chính sách đã được Chính phủ thông qua.
Về tính thống nhất của dự thảo văn bản, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu…, do đó Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ mối quan hệ giữa dự thảo Luật với các Luật có liên quan. Qua đó làm rõ quy trình, thẩm quyền thực hiện các nội dung, ví dụ: các dự án cấp bách; lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện, lưới điện; thẩm định để cấp chủ trương đầu tư; đấu thầu lưới điện; cách thức quy hoạch nguồn điện, lưới điện; ưu đãi trong đầu tư… tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ tính khả thi, hợp lý của các quy định. 

 

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên họp.
 
Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ có liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an,... rà soát kỹ tính thống nhất, phù hợp với các điều ước quốc tế của dự thảo Luật, đặc biệt là làm rõ các quy định về việc tham gia đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ các quy định chuyển tiếp đối với các dự án đầu tư; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; cố gắng quy định chi tiết các nội dung ngay tại dự thảo Luật theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. 
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý thêm một số nội dung khác cần xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền liên quan như: bao tiêu giá, giá điện…
Anh Thư - Trung tâm Thông tin