Hoạt động quảng cáo phải bảo đảm quyền lợi của người thụ hưởng dịch vụ

23/05/2024
Hoạt động quảng cáo phải bảo đảm quyền lợi của người thụ hưởng dịch vụ
Đây là đề nghị của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh tại phiên họp thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo ngày 23/5. Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cùng dự.
Quản lý kịp thời các hình thức quảng cáo mới
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết Luật Quảng cáo năm 2012 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam, phù hợp với sự phát triển của hoạt động quảng cáo và xu thế hội nhập quốc tế.
 

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ.

Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, không chỉ gia tăng về số lượng, chất lượng, doanh thu của các doanh nghiệp mà còn đóng vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống pháp luật về quảng cáo vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng xu thế hội nhập.
 

Đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.

Vì vậy, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển văn hoá; tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo; hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển. Đồng thời, dự án Luật sửa đổi, bổ sung cũng sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, thúc đẩy các hoạt động quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội.
Bổ sung quy định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan quản lý địa phương
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, một hoạt động quảng cáo có thể chịu sự quản lý từ nhiều cơ quan chuyên ngành khác nhau. Vì vậy, để quản lý hoạt động quảng cáo một cách hiệu quả, đồng chí đề nghị bổ sung thêm quy định về trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông. Cụ thể, Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, lĩnh vực được phân công.
 

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đồng chí cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm báo cáo của các Sở Thông tin và Truyền thông. Theo đó, các Sở phải thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm (vào trước ngày 31 tháng 12) hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu về quản lý hoạt động quảng cáo cho Bộ Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện dự thảo Luật quy định “Nội dung quảng cáo cần được phân biệt rõ ràng với nội dung thông tin khác” và “Diện tích quảng cáo được quy định phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác”, tuy nhiên, các dấu hiệu phân biệt đều chưa được làm rõ. Đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình thêm nội dung này.
 

Đại diện Bộ Xây dựng.

Đối với quy định về gắn bảng quảng cáo vào công trình xây dựng sẵn, theo đồng chí, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc giữ nguyên quy định về yêu cầu cấp giấy phép xây dựng tại điểm b khoản 2 Điều 31 của Luật Quảng cáo 2012. Đồng thời, đồng chí đề nghị hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo phải có kết quả kiểm định chất lượng công trình xây dựng (đánh giá an toàn công trình) của tổ chức kiểm định xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Cơ quan chủ trì cũng cần sắp xếp các quảng cáo sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt được quy định tại Điều 19a theo hướng những sản phẩm nào có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người sẽ được liệt kê trước.
 

Đại diện Bộ Y tế.

Theo đại diện Bộ Y tế, việc cấm quảng cáo "sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai'' đã được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 06/11/2014 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngâm nhân tạo. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Do đó, đồng chí đề nghị bổ sung thêm quy định này vào dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị điều chỉnh quy định về quảng cáo hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ đặc biệt theo hướng ''khi quảng cáo hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ đặc biệt phải có văn bản hoặc thông tin chứng nhận hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ đó được phép lưu hành hoặc thực hiện tại Việt Nam còn hiệu lực, trừ trường hợp hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ không thuộc danh mục phải cấp phép” vì một số hàng hoá, sản phẩm trong lĩnh vực y tế như thiết bị y tế sẽ không thuộc danh mục phải cấp số lưu hành hoặc giấy phép.
Thúc đẩy hoạt động quảng cáo đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập quốc tế
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là cần thiết để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá nói chung và ngành quảng cáo nói riêng. Dự thảo Luật đã đảm bảo phù hợp với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát dự thảo để thể chế hoá đầy đủ các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2023.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến các Luật hiện hành (Luật Xây dựng, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…) và các điều ước, hiệp định quốc tế (Hiệp định thương mại tự do FTA, Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN,…). Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ các quy định để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp.

Cho ý kiến cụ thể về những yêu cầu đối với nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, Thứ trưởng cho biết, những yêu cầu này mang tính kỹ thuật, chuyên ngành và có thể biến động theo từng thời kỳ. Do đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc giữa việc sửa đổi, bổ sung những yêu cầu trên tại dự thảo Luật hay giữ nguyên quy định như Luật Quảng cáo hiện hành (giao Chính phủ quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt).
Về việc tăng diện tích quảng cáo trên báo in lên tới gần ½ tổng diện tích, theo Thứ trưởng, đây là tỷ lệ quá lớn đối với một ấn phẩm báo chí của cơ quan báo chí. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu thêm quy định diện tích quảng cáo để không chỉ phù hợp với mục đích hoạt động của báo chí mà còn phải bảo đảm quyền lợi của người thụ hưởng dịch vụ.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho ý kiến về việc quảng cáo trên báo nói, báo hình; kiểm định chất lượng công trình gắn biển quảng cáo; trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước trong quảng cáo trên môi trường mạng…
Anh Thư - Trung tâm Thông tin