Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Kết quả rà soát, xử lý hệ thống VBQPPL đã bám sát yêu cầu của Quốc hội

15/05/2024
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Kết quả rà soát, xử lý hệ thống VBQPPL đã bám sát yêu cầu của Quốc hội
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại mục 3 Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 10/4/2024, Chính phủ đã có Báo cáo số 135/BC-CP về Kết quả thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội. Với vai trò là cơ quan chủ trì việc xây dựng Báo cáo của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ một cách bài bản, có trách nhiệm, đảm bảo tiến độ, hiệu quả, chất lượng. Cổng Thông tin điện tử đã phỏng vấn đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đồng thời là thành viên của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi là “Tổ Công tác”) về quá trình thực hiện nhiệm vụ, những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm của Bộ Tư pháp nói riêng, Chính phủ nói chung. 
1. Phóng viên hỏi:
Báo cáo số 135/BC-CP với 44 Phụ lục kèm theo, được sắp xếp, phân chia thành từng lĩnh vực cụ thể, trong đó 24 Phụ lục là tình hình xử lý đối với các kết quả rà soát tại Phụ lục II của Báo cáo số 587/BC-CP và 20 Phụ lục là kết quả xem xét, xử lý đối với các kiến nghị từ Quốc hội và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tương ứng với yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15. Với phạm vi nhiệm vụ được giao rộng, mang tính liên ngành, đa lĩnh vực, đề nghị Thứ trưởng cho biết việc xây dựng Báo cáo và các Phụ lục này dựa trên những căn cứ, nguyên tắc và phương pháp như thế nào?
Thứ trưởng trả lời:
Căn cứ, nguyên tắc và phương pháp là 03 yếu tố quyết định chất lượng của Báo cáo. Đối với Báo cáo số 135/BC-CP, Chính phủ đã lựa chọn và áp dụng những tiêu chí như sau:
Về căn cứ rà soát: Việc rà soát tuân thủ đúng các quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ); chú trọng sự phù hợp của văn bản được rà soát với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp; tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi. Việc nhận định, đánh giá phải căn cứ vào thực tiễn thi hành; việc đề xuất hướng giải quyết phải bảo đảm bám sát và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển và hội nhập quốc tế. Tập trung xem xét, xử lý kiến nghị được tổng hợp, phân loại từ Phụ lục III của Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/10/2023 của Chính phủ, Phụ lục số 02 của Báo cáo thẩm tra số 2277/BC-UBPL15 ngày 21/10/2023 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Văn bản số 2279/LĐTM-PC ngày 31/10/2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bên cạnh việc báo cáo tình hình xử lý đối với kết quả rà soát đã được nêu tại Phụ lục II của Báo cáo số 587/BC-CP.
Về nguyên tắc, phương pháp rà soát, xây dựng Báo cáo: Việc xem xét, xử lý kết quả rà soát, kiến nghị rà soát được thực hiện đối với các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; việc xem xét, xử lý kiến nghị rà soát, kết quả rà soát đối với văn bản quy phạm pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể được cân nhắc, đánh giá trong mối quan hệ thống nhất với các văn bản thuộc các lĩnh vực pháp luật có liên quan và tổng thể hệ thống pháp luật; các nội dung được cho là có mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập được tổng hợp trong Báo cáo này là kết quả của quá trình trao đổi, xem xét, đánh giá, thống nhất giữa cơ quan, tổ chức rà soát, kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà văn bản đó điều chỉnh và các cơ quan có liên quan của Quốc hội, đảm bảo việc xem xét, xử lý được bao quát, toàn diện, thống nhất.
2. Phóng viên hỏi:
Đề nghị Thứ trưởng cho biết, với việc áp dụng những yếu tố như trên, Chính phủ đã đạt được kết quả như thế nào và ý nghĩa của kết quả này?
Thứ trưởng trả lời:
Bám sát yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 110/2023/QH15, Báo cáo số 135/BC-CP của Chính phủ bao gồm 02 nội dung chính: Một là, báo cáo tình hình xử lý kết quả rà soát đã thực hiện trong năm 2023 tại Phụ lục II kèm theo Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/10/2023 của Chính phủ báo cáo ra Quốc hội, tương ứng với các lĩnh vực trọng tâm theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15, thể hiện tại 24 phụ lục thành phần tại Phụ lục I, từ Phụ lục I.01 đến I.24. Hai là, báo cáo kết quả xem xét, xử lý các kiến nghị tại Phụ lục III của Báo cáo số 587/BC-CP, Phụ lục số 02 kèm theo Báo cáo thẩm tra số 2277/BC-UBPL15 ngày 21/10/2023 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Văn bản số 2279/LĐTM-PC ngày 31/10/2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với kết quả chi tiết được thể hiện tại Phụ lục số II, bao gồm 20 Phụ lục thành phần, từ Phụ lục II.01 đến Phụ lục II.20 của Báo cáo.
Với việc phân loại logic, rõ ràng theo từng nhóm vấn đề, đã có 214 quy định pháp luật là kết quả rà soát lần trước được xem xét, đẩy nhanh tiến độ xử lý; 670 kiến nghị rà soát lần này tiếp tục được các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan có liên quan trao đổi, xem xét, đánh giá, qua đó có 239 nội dung quy định từ Luật xuống đến Thông tư được cho là có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc.
Kết quả xem xét, xử lý tại Báo cáo của Chính phủ lần này tiếp tục được xác định là nguồn dữ liệu đầu vào để các cơ quan có liên quan tổng hợp, nghiên cứu, hoàn thiện và xem xét trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
3. Phóng viên hỏi:
Có được kết quả nêu trên, theo Thứ trưởng thì yếu tố được đánh giá cao trong quá trình xây dựng Báo cáo của Chính phủ về kết quả xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15 là gì?
Thứ trưởng trả lời:
Yếu tố tiên quyết quyết định thành công của việc xây dựng Báo cáo là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc nghiêm túc, nhanh chóng, kịp thời, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, các tổ chức, hiệp hội có liên quan trong xem xét, xử lý đối với các kiến nghị rà soát, kết quả rà soát; xây dựng và hoàn thiện Báo cáo. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực trong lần rà soát văn bản này tương đối chặt chẽ, bài bản với kinh nghiệm được rút ra từ quá trình xây dựng Báo cáo số 587/BC-CP giúp việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo tiến độ và chất lượng. Bên cạnh đó, việc dự thảo Báo cáo trong từng giai đoạn được lấy ý kiến công khai, rộng rãi từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội, các chuyên gia thông qua Hội nghị của Chính phủ và các cuộc họp, Hội thảo do cơ quan Thường trực Tổ Công tác tổ chức, được hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến này cũng là một yếu tố góp phần không nhỏ vào chất lượng chung của Báo cáo.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 110/2023/QH15, có thể khẳng định, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan đã nỗ lực, cố gắng tối đa trong quá trình thực hiện để việc xây dựng và hoàn thiện Báo cáo, đảm bảo khách quan, toàn diện, chất lượng cao. Đây có thể xem là những yếu tố quan trọng, bảo đảm cho nhiệm vụ được hoàn thành theo đúng yêu cầu về chất lượng và tiến độ thời gian.
4. Phóng viên hỏi:
Với trách nhiệm là Thứ trưởng Bộ Tư pháp được giao trực tiếp chỉ đạo hoạt động của cơ quan Thường trực Tổ Công tác, đồng thời là Thành viên Tổ Công tác, mong Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật?
Thứ trưởng trả lời:
Với phạm vi thực hiện nhiệm vụ rộng, mang tính liên ngành, đa lĩnh vực, nội dung rà soát có tính chất đan xen, phức tạp, không chỉ bao gồm các lĩnh vực trọng tâm được yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 mà còn được mở rộng trên cơ sở kiến nghị từ Quốc hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những khó khăn, hạn chế khi thực hiện rà soát là tương đối nhiều, có thể kể đến như: khó khăn về thời gian tiến độ thực hiện, về điều kiện triển khai công tác; hạn chế về nguồn nhân lực, vật lực, … Trong khi đó, việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa được các bộ, cơ quan ngang bộ xác định là nhiệm vụ thường xuyên; nhiều kết quả rà soát văn bản chưa được xử lý, khắc phục triệt để; đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nhận thức của chủ thể áp dụng pháp luật và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật đôi khi chưa bảo đảm liên thông, chặt chẽ, kịp thời.
5. Phóng viên hỏi:
Từ những vấn đề nêu trên, Bộ Tư pháp có đề xuất, kiến nghị gì liên quan đến công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật?
Thứ trưởng trả lời:
Từ những vấn đề nêu trên, Bộ Tư pháp đã có những kiến nghị, đề xuất với các bộ, Chính phủ, Quốc hội, cụ thể là: Các bộ, ngành cần xác định công tác rà soát là trách nhiệm thường xuyên, từ đó, tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP); tiếp tục nghiên cứu, sử dụng kết quả rà soát tại Báo cáo này là nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới, chủ động đề xuất theo thẩm quyền việc xử lý các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc và xác định lộ trình cụ thể thực hiện việc xử lý; tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó, đảm bảo việc rà soát văn bản là trách nhiệm phải được tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát; không bỏ sót văn bản thuộc trách nhiệm rà soát; tuân thủ nghiêm quy định về trách nhiệm, cách thức tổ chức rà soát; kịp thời xử lý kết quả rà soát; đảm bảo kết nối giữa hoạt động giám sát việc xây dựng pháp luật với các hoạt động đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp khác như: thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; quan tâm tăng cường chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật; đầu tư kinh phí, bảo đảm các điều kiện cần thiết phục vụ công tác xây dựng pháp luật nói chung và rà soát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.