Tăng cường quản lý nhà nước trong việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

26/01/2024
Tăng cường quản lý nhà nước trong việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Ngày 26/01, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp.
Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Phát biểu tại phiên họp, Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) cho biết, qua 05 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an đã nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí bảo đảm đúng quy định của Luật; theo đó, đã sản xuất trên 200.000 công cụ hỗ trợ các loại để phục vụ trang bị, sử dụng cho Công an các đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. Còn Bộ Quốc phòng đã trang bị, quản lý, sử dụng, cấp phép về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phục vụ cho mục đích quốc phòng đúng theo quy định của Luật, đảm bảo chặt chẽ, không để xảy ra mất, thất lạc; tổ chức đào tạo, huấn luyện hằng năm về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, đối tượng; đồng thời, chỉ đạo tổ chức sản xuất vũ khí, khí tài đúng theo danh mục và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu trang bị, sử dụng phục vụ bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo an ninh, trật tự.
 

Đồng chí Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tiến hành thường xuyên, rộng khắp, hiệu quả, qua đó đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, với vai trò nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ triển khai quyết liệt, xuyên suốt, hiệu quả từ Bộ đến cơ sở (công an cấp xã) nên tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã được kiềm chế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc do có những quy định của Luật không còn phù hợp, chưa đáp ứng được tình hình thực tế hiện nay của công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Vì vậy, việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) là cần thiết nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành, áp dụng pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan; tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Cần xác định, phân loại vũ khí theo tính năng khoa học, kỹ thuật 
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã thảo luận, cho ý kiến về các quy định của dự thảo Luật, trong đó tập trung vào các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao,…
 

Đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu tại phiên họp

Cụ thể, về quy định liên quan đến vũ khí thô sơ là dao có tính sát thương cao, đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá đây là quy định mới, tuy nhiên, việc định nghĩa “Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20 cm trở lên, hoặc dao có chiều dài lưỡi dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao” là chưa hợp lý. Với mô tả này rất nhiều loại dao dùng trong sinh hoạt gia đình, lao động sản xuất cũng có thể là vũ khí thô sơ. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ bảo đảm tính khả thi, phân biệt rõ dao được coi là vũ khí (có tính sát thương cao) với dao sử dụng cho mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt để có cơ chế quản lý phù hợp, khả thi, tránh gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật mới chỉ quy định về việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo nhưng chưa có quy định về việc mang theo dao có tính sát thương cao. Đồng chí đề xuất có thể quy định nơi nào người dân được phép mang theo dao, nhưng phải công khai, bị cấm nếu cố tình che dấu chúng, nơi nào người dân không được phép mang dao kể cả dao thông thường hay nơi có hoạt động đối ngoại, hoạt động tập trung đông người. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý việc mang theo, sử dụng các loại dao có tính sát thương cao và các loại dao khác.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ.

Về vũ khí thể thao, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết điểm a khoản 1 Điều 27 Dự thảo quy định trong hồ sơ đề nghị trang bị vũ khí thể thao phải có “văn bản đồng ý về việc trang bị vũ khí thể thao của cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định”. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về thể dục và thể thao, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện kinh doanh về thể thao và xin cấp phép của cơ quan có thẩm quyền mới được phép hoạt động thể thao. Trong quy trình thủ tục cấp phép kinh doanh về thể thao cũng không có quy định doanh nghiệp phải có “văn bản đồng ý về việc trang bị vũ khí thể thao của cơ quan có thẩm quyền”. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản, đồng chí đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu phải có “văn bản đồng ý về việc trang bị vũ khí thể thao của cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định” trong Hồ sơ đề nghị trang bị vũ khí thể thao.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Dự thảo, trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sử dụng vũ khí thể thao phải Văn bản đề nghị, trong đó có nội dung là “số giấy phép trang bị vũ khí thể thao”. Như vậy, tổ chức, doanh nghiệp đã có giấy phép trang bị vũ khí thể thao phải tiếp tục thực hiện thủ tục để được sử dụng vũ khí thể thao đã được trang bị. Doanh nghiệp phải thực hiện hai thủ tục liền kề nhau, trong khi hồ sơ xin phép có nhiều điểm chồng lấn và cùng thực hiện ở một cơ quan cấp phép sẽ khiến cho doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục, gia tăng về chi phí tuân thủ. Đồng thời, theo quy định tại Điều 32 Dự thảo, khi sửa chữa vũ khí thể thao, doanh nghiệp cũng phải xin Giấy phép sửa chữa vũ khí thể thao tại cơ quan Công an có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc sửa chữa vũ khí thể thao không làm thay đổi số lượng, chủng loại, tính năng vũ khí thể thao đã được cấp phép; mặt khác, việc vũ khí thể thao sử dụng trong tập luyện, thi đấu thể thao có thể bị hỏng, phải sửa chữa nhiều. Nếu mỗi lần sửa chữa lại phải xin phép sẽ tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính rất lớn cho doanh nghiệp. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để quy định về trang bị, sử dụng, sữa chữa vũ khí thể thao cho phù hợp; đảm bảo tinh thần cải cách thủ tục hành chính.
 

Đại diện Bộ Quốc phòng.

Ngoài ra, các đại biểu có một số ý kiến khác như: Đề nghị làm rõ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 36 Luật về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp “Bộ trưởng Bộ Công thương quy định việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp quy định tại điểm a khoản này”, đảm bảo thống nhất với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013; chỉnh sửa lại nội dung các khoản của Điều 5 theo hướng xác định chính xác những hành vi bị nghiêm cấm theo từng đối tượng;…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng thẩm định; đồng thời nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát thêm dự thảo Luật với Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, loại bỏ các nội dung trùng lặp để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Cho ý kiến về một số nội dung tại dự thảo Luật, Thứ trưởng cho biết điểm b khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật quy định súng kíp, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này là một trong các loại vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này là súng săn; đồng thời, chế tài xử lý hình sự tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn (Điều 306). Như vậy, so với quy định hiện hành về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì dự thảo Luật chưa quy định khái niệm, cơ chế quản lý đối với súng săn mà các loại súng đang được quy định là súng săn theo quy định của Luật năm 2017 lại được quy định là vũ khí quân dụng. Do đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát để bổ sung cho phù hợp.
 

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp.

Thứ trưởng cũng đề xuất, thay vì xác định vũ khí thô sơ theo mục đích sử dụng, nên tiếp cận theo tính năng khoa học, kỹ thuật của chúng; theo đó để xác định kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu và dao có phải là vũ khí thô sơ hay không cần căn cứ vào danh mục, mẫu mô tả chi tiết về kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành; đồng thời bổ sung quy định quản lý đối với loại vũ khí này.
Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật quy định: Trường hợp mang nhiều hơn 10 khẩu súng ngắn hoặc chủng loại khác và cơ số đạn, phụ kiện kèm theo (nếu có) phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa làm rõ trình tự, thủ tục xin chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Công an để mang nhiều hơn số lượng cho phép là như thế nào. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể nội dung này để đảm bảo tính minh bạch.
Ngoài ra, Thứ trưởng đã cho một số ý kiến khác như: xem xét về quy định các hành vi trao đổi, tặng, cho vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cá nhân để sưu tầm, nghiên cứu,....; rà soát các thủ tục hành chính có thể phát sinh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý; bổ sung điều kiện chuyển tiếp; sửa đổi, bổ sung các phụ lục liên quan; cân nhắc giao Chính phủ quy định chi tiết thủ tục khai báo vũ khí thô sơ; rà soát thêm quy định tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;...
 Anh Thư - Trung tâm Thông tin