Xây dựng chính sách thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

14/12/2023
Xây dựng chính sách thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Sáng 14/12, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đồng chủ trì Hội nghị.
Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất và đồng bộ cho việc đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, hoạt động khoa học, công nghệ
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Luật Khoa học và Công nghệ được Quốc hội Khoá XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 bao gồm 11 Chương, 81 Điều và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.
Qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật Khoa học và Công nghệ đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý hiệu lực cao, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học, công nghệ; phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức khoa học, công nghệ chủ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm phát triển thị trường.
 

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ tóm tắt nội dung Tờ trình.

Đồng thời, Luật cũng đã đổi mới căn bản cơ chế sử dụng kinh phí nhà nước và cơ chế xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ theo hướng lấy mục tiêu và hiệu quả ứng dụng là tiêu chuẩn hàng đầu; chuyển các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phương thức khoán sản phẩm khoa học, công nghệ; từ đó tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh yêu cầu về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ngày càng cao, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ là cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật, từ đó thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
Rà soát nội dung chính sách để xác định đúng phạm vi điều chỉnh của Luật
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, đồng chí đánh giá nội dung đề nghị xây dựng Luật có thể dẫn đến sửa đổi rất lớn (50/81 Điều); vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét đề nghị xây dựng Luật thay thế Luật Khoa học và công nghệ hiện hành cho phù hợp.
Ngoài ra, Tờ trình đề nghị xây dựng Luật nêu phạm vi điều chỉnh có bổ sung về hoạt động đổi mới sáng tạo, tuy nhiên, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 cũng đã có những quy định liên quan đến đổi mới sáng tạo. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát nội dung chính sách để xác định đúng phạm vi điều chỉnh của Luật; đồng thời điều chỉnh tên gọi của các chính sách phù hợp với nội dung đề xuất.
 

Đại diện Bộ Tài chính phát biểu tại phiên họp.

Còn đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo các quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27, khoản 2 Điều 53 của Luật và quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP "Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia được chuyển vào Quỹ phát triển khoa học, công nghệ quốc gia", từ năm 2015, về nguyên tắc toàn bộ các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp Quốc gia sẽ được tập trung vào một đầu mối trực tiếp quản lý là Bộ Khoa học và Công nghệ để phê duyệt, ký hợp đồng và cấp kinh phí qua Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Tuy vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, do hầu hết các nhiệm vụ khoa học, công nghệ quốc gia đều đang trong giai đoạn thực hiện theo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ 2010 – 2020. Đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá cụ thể, phân tích chi tiết tính hợp lý, hợp pháp trong thực tế triển khai thời gian qua để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản hướng dẫn đảm bảo phù hợp, khả thi.
Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần cân nhắc, đánh giá sự cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Trường hợp việc thành lập và hoạt động của Quỹ này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước, có nhiệm vụ chi trùng với nhiệm vụ chi từ ngân sách nhà nước, đồng chí đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định tại Điều 60 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
 

Đại diện Bộ Nội vụ phát biểu tại phiên họp.

Đại diện Bộ Nội vụ bổ sung thêm, nội dung Tờ trình chưa thể hiện rõ về phân cấp, phân quyền; vì vậy đề nghị rà soát, bổ sung các chính sách để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương theo quan điểm, mục tiêu phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.
 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tiếp thu các ý kiến của các thành viên Hội đồng.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát các chính sách được đề xuất để đảm bảo thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; đồng thời nghiên cứu thêm các kinh nghiệm của quốc tế trong việc phát triển khoa học, công nghệ.
 

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên họp.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho biết Luật Khoa học và Công nghệ hiện nay có nhiều nội dung vẫn còn phù hợp với thực tiễn, vì vậy, cần rà soát, đánh giá tổng thể các quy định để kế thừa các kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu thêm một số giải pháp để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như xây dựng cơ chế về đầu tư rủi ro cho khoa học, công nghệ; nghiên cứu các mô hình thử nghiệm có kiểm soát; có chính sách phát triển các viện, trường, cơ sở nghiên cứu về khoa học công nghệ; xây dựng hệ thống chuyển giao ứng dụng đơn giản để đưa các nghiên cứu đi vào thực tiễn; đề xuất cơ chế ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng;…
 
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ tập trung vào 6 chính sách, gồm: Hoàn thiện quy định về thành lập, đăng ký và hoạt động của tổ chức khoa học, công nghệ (1); hoàn thiện quy định đối với cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ (2); hoàn thiện quy định về nhiệm vụ khoa học, công nghệ (3); sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (4); thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (5); hoàn thiện quy định để thúc đẩy hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (6).

Anh Thư - Trung tâm Thông tin