Tạo điều kiện đảm bảo cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trong Ngành Y tế

13/12/2023
Tạo điều kiện đảm bảo cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trong Ngành Y tế
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và các Nghị định hướng dẫn thi hành, Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại Bộ Y tế vào chiều ngày 12/12/2023. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cùng các đại diện Lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Y tế.
Mục đích của Đoàn kiểm tra nhằm đánh giá về tình hình tổ chức, thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại Bộ Y tế; đánh giá những mặt tích cực, nhận diện những vấn đề còn khó khăn, hạn chế hoặc vướng mắc từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL trong thời gian tới; đồng thời, Đoàn cũng thông tin, trao đổi về kết quả kiểm tra theo thẩm quyền đối với một số văn bản chưa phù hợp với quy định pháp luật do Bộ Y tế ban hành.
Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tại Bộ Y tế
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đã được Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và đã đạt được một số kết quả tích cực. Bộ Y tế đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản QPPL và xây dựng Quy trình ISO về công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL về y tế và công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về y tế. Hàng năm, Bộ Y tế đều ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Bộ Y tế đã thực hiện các nhiệm vụ rà soát văn bản QPPL theo chuyên đề, theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Tổng số lượt văn bản được rà soát là 972 văn bản, đã tiến hành xử lý theo thẩm quyền đối với 83/107 văn bản. Việc rà soát văn bản cơ bản bảo đảm yêu cầu về nội dung, thời hạn. Về tình hình thực hiện hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019-2023: Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về y tế kỳ 2019 -2023; đã tiến hành tập huấn cho các đơn vị thuộc Bộ việc thực hiện hệ thống hoá kỳ 2019 - 2023. Hoạt động tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đã được quan tâm tổ chức. Đồng thời, Bộ Y tế cũng thường xuyên cử công chức tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã quan tâm, tạo điều kiện đảm bảo cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trong Ngành như kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung biên chế, bố trí kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác phục vụ công tác này.


Đồng chí Đinh Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế báo cáo tại buổi làm việc
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại Bộ Y tế còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc nhất định như kinh phí cho hoạt động kiểm tra văn bản mặc dù đã được bố trí nhưng do mức chi theo quy định còn thấp, nội dung các hoạt động còn chưa phong phú, một số đơn vị thuộc Bộ chưa bố trí kinh phí cho hoạt động này. Biên chế làm công tác pháp chế nói chung cũng như cán bộ chuyên trách công tác kiểm tra văn bản của các đơn vị thuộc Bộ Y tế còn thiếu; chưa có sự chủ động trong công tác tham mưu, xử lý kết quả rà soát hay chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản, còn xem đây là nhiệm vụ chuyên môn riêng của Vụ Pháp chế.
Qua nghe báo cáo của Bộ Y tế, các thành viên trong Đoàn công tác cũng có phản hồi, yêu cầu cung cấp, làm rõ thêm những thông tin để có đánh giá tổng thể, khách quan về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của Bộ Y tế liên quan đến kết quả tự kiểm tra các thông tư do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, việc phát hiện và tự xử lý một số văn bản trái pháp luật việc xử lý hoặc tham mưu xử lý theo thẩm quyền. Đại diện các Bộ, ngành tham gia Đoàn công tác liên ngành cũng dã có  thông tin, trao đổi, giải đáp các vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý của Bộ, ngành mình.

Các thành viên đoàn kiểm tra

Tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn kiểm tra liên ngành, đồng chí Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp đã thông tin tóm tắt, sơ bộ về kết quả kiểm tra theo xác suất các văn bản còn hiệu lực do Bộ Y tế ban hành liên quan đến một số quy định về an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế, thực hành khám bệnh, chữa bệnh, hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện, sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ... Kết quả kiểm tra cho thấy bước đầu một số văn bản do Bộ Y tế ban hành còn chưa phù hợp về nội dung, thẩm quyền và hiệu lực; vẫn còn văn bản chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, chưa bảo đảm đúng thể thức, kỹ thuật trình bày hoặc văn bản hành chính có chứa QPPL.


Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại buổi làm việc
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng Bộ Y tế là một trong những bộ quản lý ngành, lĩnh vực có phạm vi quản lý rộng (bao gồm các lĩnh vực: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y, dược cổ truyền; trang thiết bị y tế; dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số, sức khỏe sinh sản; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ), có tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm gần đây, Bộ Y tế gặp nhiều khó khăn, vất vả trong công tác phòng, chống đại dịch Covid - 19, đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền, đã ban hành hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành rất nhiều văn bản, chính sách, thực hiện nhiều biện pháp nhằm kịp thời ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, trong đó, có những vấn đề phải thay đổi linh hoạt với nhiều quyết định lần đầu tiên được áp dụng. Với những khó khăn mà Bộ Y tế phải xử lý trong thời gian qua, việc ban hành các chính sách, văn bản pháp luật để vừa phù hợp với văn bản cấp trên (Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) vừa phải phù hợp với đặc điểm quản lý ngành, lĩnh vực, với tình hình thực tiễn là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp chia sẻ về những khó khăn, nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, y bác sỹ trong thời gian qua và đánh giá về kết quả tích cực của công tác ban hành văn bản mà Bộ Y tế đã đạt được. Qua nội dung trao đổi tại buổi làm việc có thể thấy, công tác chỉ đạo, điều hành và các điều kiện bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại Bộ Y tế đã được quan tâm thực hiện. Qua đó, thể chế phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của Bộ Y tế được ban hành cơ bản đầy đủ, bảo đảm cơ sở pháp lý cho công tác này được thực hiện theo quy định. Hằng năm, Bộ Y tế đều ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Từ năm 2019 trở lại đây, công tác xử lý các văn bản sau khi nhận được ý kiến của Bộ Tư pháp được thực hiện kịp thời. 
Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao việc thực hiện công tác tự kiểm tra các thông tư do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, qua đó, đã phát hiện và tự xử lý một số văn bản trái pháp luật. Bộ Y tế cũng đã thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền văn bản QPPL do các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Qua công tác tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền của Bộ Y tế cho thấy, công tác này đã được thực hiện chủ động, thường xuyên, nghiêm túc, đã phát hiện và xử lý một số văn bản trái pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL thuộc lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả là tích cực, đáng ghi nhận như đã nêu ở trên, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của Bộ Y tế cũng còn một số tồn tại, hạn chế như một số văn bản do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành không phù hợp với quy định pháp luật (nêu trên) nhưng chưa được phát hiện thông qua công tác tự kiểm tra văn bản; chưa thực hiện đầy đủ phương thức kiểm tra văn bản như: kiểm tra văn bản theo địa bàn, lĩnh vực…; Việc rà soát, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát đôi khi chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian, chất lượng; Chưa kiện toàn được mạng lưới cộng tác viên cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; công tác phối hợp giữa các đơn vị còn chưa chặt chẽ, một số Lãnh đạo các đơn vị chưa quan tâm đúng mức về công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL.


Đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành phát biểu tại buổi kiểm tra
 
Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra VBQPPL tại Bộ Y tế
Để bảo đảm chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, trong thời gian tới, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Bộ Y tế lưu ý một số nội dung sau:
Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thi hành hiệu quả, nghiêm Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ). Kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản QPPL, bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL. 
Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra để kịp thời nhận diện, chấn chỉnh, khắc phục khó khăn, hạn chế trong tổ chức thực hiện các văn bản QPPL; đề cao hơn nữa trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, thi hành pháp luật; chủ động trong kiểm tra theo thẩm quyền, kiểm soát mức độ phù hợp của văn bản QPPL qua công tác tự kiểm tra, ngăn chặn nguy cơ làm phát sinh những quy định không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; thực hiện các phương thức kiểm tra văn bản khác như: kiểm tra văn bản theo địa bàn, chuyên đề, theo lĩnh vực…; củng cố và hoàn thiện đội ngũ cộng tác kiểm tra văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Thực hiện tự kiểm tra, kịp thời xử lý các văn bản chưa phù hợp đã được nêu tại buổi làm việc; xử lý, kiến nghị xử lý các văn bản QPPL cần xử lý sau rà soát. Tiếp tục chỉ đạo Vụ pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019 - 2023 theo đúng quy định pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Đồng thời, cần có giải pháp tiếp tục tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; củng cố và hoàn thiện đội ngũ cộng tác kiểm tra văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế; tiếp tục quan tâm, bố trí biên chế, kinh phí hợp lý cho công tác này. Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ trong công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại buổi làm việc.
 
Tiếp thu ý kiến của Đoàn Công tác, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ sự cảm ơn về những chia sẻ, góp ý, trao đổi của Đoàn kiểm tra tại buổi làm việc. Những kiến nghị và trao đổi đã giúp Bộ Y tế nhận diện và xác định chính xác, kịp thời những tồn tại, hạn chế trong công tác pháp chế nói chung và công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL tại Bộ Y tế nói riêng. Đối với các yêu cầu, kiến nghị của Đoàn kiểm tra về việc giải trình và bổ sung một số nội dung, tài liệu, Thứ trưởng Liên Hương giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, bổ sung và hoàn thiện báo cáo, tài liệu theo đúng yêu cầu. Bộ Y tế sẽ khẩn trương rà soát, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện để kịp thời rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.