Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm việc tại tỉnh Gia Lai

28/11/2023
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm việc tại tỉnh Gia Lai
Chiều 27/11, Đoàn kiểm tra liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm trưởng đoàn đã có buổi Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và các Nghị định hướng dẫn thi hành, Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại tỉnh Gia Lai vào chiều ngày 27/11/2023. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, có bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại diện Lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Gia Lai.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ngày càng cao đối với công tác xây dựng, ban hành và thi hành pháp luật. Trong đó, Nghị quyết yêu cầu: “Tăng cường xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp; khắc phục tình trạng luật thiếu tính ổn định, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các địa phương cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đối với công tác pháp chế; trách nhiệm tham mưu của sở, ban, ngành trong công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; nâng cao tính chủ động của các cơ quan trong công tác tự kiểm tra, xử lý văn bản ban hành theo đúng quy định; chú trọng công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành có liên quan, đồng thời cần phát huy tốt vai trò đầu mối tham mưu của Sở Tư pháp; quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp và đội ngũ làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn cũng như cần chú trọng các điều kiện đảm bảo cho công tác này trên địa bàn tỉnh.
 
 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại buổi làm việc.
 
Trên cơ sở đó, buổi làm việc ngày hôm nay của Đoàn kiểm tra nhằm đánh giá tình hình tổ chức, thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại Gia Lai; nắm bắt kịp thời, chấn chỉnh những tồn tại trong việc tổ chức, thực hiện các công tác này; đồng thời, thông tin, trao đổi về kết quả kiểm tra theo thẩm quyền đối với một số văn bản có dấu hiệu trái pháp luật do HĐND, UBND tỉnh Gia Lai ban hành.
Chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành và các điều kiện đảm bảo cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trên địa bàn 
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thị Ngọc Lam - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đã được UBND tỉnh Gia Lai quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và đã đạt được một số kết quả tích cực, cụ thể:
Thể chế phục vụ công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của tỉnh Gia Lai được ban hành cơ bản đầy đủ, bảo đảm cơ sở pháp lý cho công tác này được thực hiện theo quy định. Đồng thời, tỉnh Gia Lai áp dụng Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP để thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại địa phương. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đều ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành đã kịp thời ban hành các Kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ công tác này trong đơn vị. Cùng với đó, các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện bước đầu được quan tâm, chú trọng, UBND đã có nhiều nỗ lực để củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp và đội ngũ làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác pháp chế, bố trí kinh phí cho việc tổ chức thực hiện. 
Công tác tự kiểm tra, kiểm tra văn bản theo theo thẩm quyền (kiểm tra văn bản do cơ quan ban hành gửi đến, kiểm tra theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn) đã được Tỉnh quan tâm triển khai, ngày càng nâng cao về chất lượng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2019 đến nay, công tác xử lý các văn bản trái pháp luật sau khi nhận được kết luận, công văn kiến nghị của Bộ Tư pháp được tỉnh Gia Lai thực hiện kịp thời, đến nay không còn văn bản nào chưa xử lý.
Đối với công tác rà soát văn bản QPPL, Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí, nhân lực, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện nhiều đợt rà soát văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành cũng như rà soát theo yêu cầu của các Bộ, ngành Trung ương. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo xử lý và kiến nghị xử lý đối với những văn bản không còn phù hợp; định kỳ công bố Danh mục văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần bảo đảm đúng thời hạn theo quy định. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019 - 2023 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; quan tâm chỉ đạo việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019 - 2023, thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019 - 2023. Việc đăng tải văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh Gia Lai ban hành ban hành trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại tỉnh Gia Lai còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc nhất định như một số văn bản do HĐND, UBND tỉnh trước đây được ban hành dưới hình thức VBQPPL nhưng nội dung không chứa QPPL, chưa phù hợp pháp luật về thẩm quyền, nội dung, thể thức, kỹ thuật; văn bản có nội dung chung chung nên gây khó khăn trong việc xác định đối tượng rà soát. Kiến nghị của địa phương được Bộ, ngành hướng dẫn còn chung chung hoặc chưa thống nhất nên địa phương còn gặp khó khăn trong việc áp dụng và tổ chức thi hành pháp luật. Việc bố trí người làm công tấc kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL còn hạn chế về số lượng, thiếu kỹ năng nghiệp vụ. Một số cơ quan, đơn vị còn đùn đẩy trong việc xác định trách nhiệm rà soát và đề xuất trách nhiệm tham mưu xử lý đối với những văn bản do nhiều cơ quan tham mưu ban hành.
 
Bà Lê Thị Ngọc Lam - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai báo cáo kết quả công tác thi hành pháp luật và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
 
Qua nghe báo cáo của địa phương, các thành viên trong Đoàn công tác cũng có phản hồi, yêu cầu cung cấp, làm rõ thêm những thông tin để có đánh giá tổng thể, khách quan về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Về phía địa phương, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan đã bám sát nội dung, yêu cầu và bước đầu cung cấp các thông tin, tài liệu và trao đổi, trả lời những ý kiến, vấn đề Đoàn công tác đặt ra.

Đại diện Sở Tài chính trao đổi, chia sẻ thông tin với Đoàn công tác

Trao đổi với Đoàn công tác, đại diện Sở Tài chính đã giải trình về ý kiến của Đoàn công tác và thông tin thêm về một số nội dung về tình hình thực hiện của địa phương. Đồng thời, Sở Tài chính cũng đề cập đến một số khó khăn trong việc bố trí kinh phí, chế độ cho đối tượng công chức, viên chức thực hiện công tác này. Một trong những khó khăn mà địa phương đang gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện ở địa phương là chưa nhận được sự phối hợp kịp thời, thậm chí còn rất chậm trong công tác hướng dẫn, trả lời vướng mắc của địa phương từ các Bộ, ngành Trung ương dẫn đến địa phương không thể hoặc chậm triển khai thực hiện – đại diện Sở Tài chính cho biết.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hòe – Phó Cục trưởng Cục KTVBQPPL, Bộ Tư pháp thông tin sơ bộ về kết quả kiểm tra theo xác suất các văn bản còn hiệu lực do HĐND, UBND tỉnh Gia Lai ban hành. 
 
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu Hòe – Phó Cục trưởng Cục KTVBQPPL, Bộ Tư pháp thay mặt Đoàn kiểm tra liên ngành thông tin sơ bộ về kết quả kiểm tra theo xác suất các văn bản còn hiệu lực do HĐND, UBND tỉnh Gia Lai ban hành. Kết quả kiểm tra cho thấy bước đầu một số văn bản do HĐND, UBND ban hành còn chưa phù hợp về nội dung, thẩm quyền và hiệu lực chưa được Tỉnh kịp thời phát hiện qua công tác tự kiểm tra văn bản; một số văn bản còn sai sót cần rà soát, xử lý theo quy định. Vẫn còn tình trạng ban hành văn bản hành chính của UBND tỉnh có chứa QPPL. Một số văn bản có quy định chưa đảm bảo tính minh bạch, có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong việc áp dụng. Một số sở, ban, ngành còn chưa chủ động tham mưu thực hiện rà soát thường xuyên, kịp thời ngay khi có căn cứ rà soát, chưa chủ động trong tham mưu, xử lý kết quả rà soát.
 
Đồng chí Hồ Quang Huy – Cục trưởng Cục KTVBQPPL, Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc
 
Trao đổi với các sở, ban, ngành tại buổi làm việc, ông Hồ Quang Huy – Cục trưởng Cục KTVBQPPL, Bộ Tư pháp ghi nhận những kết quả mà tỉnh Gia Lai đã đạt được trong công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Tuy nhiên, công tác này tại địa phương vẫn còn nhiều thiếu sót, vướng mắc. Do đó, ông Huy đề nghị UBND cần sớm nhận diện thực trạng và phát hiện các thiếu sót trong công tác tham mưu, ban hành văn bản QPPL tại địa phương để kịp thời khắc phục, sửa đổi phù hợp. Đối với một số đề xuất, kiến nghị của địa phương được thảo luận tại buổi làm việc, ông Huy ghi nhận và bước đầu có ý kiến về một số kiến nghị, giải pháp khắc phục, xử lý một số văn bản có sai phạm, thiếu sót của địa phương. Ông Huy cũng đề nghị Gia Lai chủ động rà soát và có phương án xử lý kịp thời ngay, đảm bảo phù hợp, đúng quy định.
Kịp thời rà soát, xử lý các văn bản theo kiến nghị của Đoàn công tác
Trao đổi với Đoàn công tác, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, HĐND, UBND luôn nhận thức rõ tầm quan trọng, vai trò của công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra văn bản QPPL. Tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Điều này được thể hiện ở công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra văn bản QPPL; chưa ban hành các văn bản QPPL khi đang còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa nhận được sự đồng thuận của các sở, ban, ngành, địa phương; đối với các nội dung, chính sách có tác động lớn đều được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu sự tác động, huy động sự giám sát, trưng cầu ý kiến của Mặt trận tổ quốc.
Bên cạnh đó, bà Lịch cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của địa phương đồng thời thông tin về một số vướng mắc, chồng chéo trong quy định pháp luật gây khó khăn trong cách hiểu, áp dụng pháp luật của địa phương. Tỉnh trân trọng cảm ơn, đánh giá cao các ý kiến góp ý cụ thể và bổ ích của Đoàn cho địa phương về các nội dung liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Đồng chí Phó Chủ tịch cũng kiến nghị với Đoàn công tác về một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp, hướng dẫn và trả lời kiến nghị của địa phương như chưa nhận được sự quan tâm, xử lý kịp thời từ các cơ quan trung ương; một số hướng dẫn còn chung chung, chưa rõ gây cách hiểu khác nhau dẫn đến khó triển khai, cụ thể hóa trong quá trình thực hiện, đặc biệt là những kiến nghị về đề xuất xây dựng các cơ chế đặc thù của tỉnh.  
Đối với kiến nghị của Đoàn kiểm tra về tăng cường công tác kiểm tra theo lĩnh vực tại địa bàn, bà Lịch chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan chủ động tham mưu, xây dựng và trình UBND kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề tại một số sở, ban, ngành và các huyện, từ đó kịp thời phát hiện, hướng dẫn và khắc phục tình trạng sai sót trong công tác xây dựng văn bản QPPL tại tỉnh hiện nay, nhất là những sai sót về ban hành văn bản hành chính có chứa QPPL. Đối với các văn bản được Đoàn kết luận tại buổi làm việc, giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành kịp thời rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. 
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhận định Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Tây Nguyên, ở vị trí trung tâm của khu vực, là cửa ngõ đi ra biển của phần lớn các tỉnh trong khu vực, nên đây là điều kiện để cùng các tỉnh lân cận đẩy mạnh hợp tác phát triển và phát huy các lợi thế vốn có của mình nhằm tăng năng lực sản xuất và hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Với tầm quan trọng về vị trí địa lý cũng như đặc thù trong quản lý xã hội, dân cư, việc ban hành các chính sách, văn bản pháp luật để vừa phù hợp với văn bản cấp trên (Luật, Nghị định, Thông tư) vừa phải phù hợp với đặc điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương được coi là một công việc vô cùng khó khăn. Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác ban hành văn bản của tỉnh. Lãnh đạo UBND đã quan quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Về cơ bản, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.  
Qua nội dung trao đổi tại buổi làm việc có thể thấy công tác chỉ đạo, điều hành và các điều kiện bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đã được quan tâm thực hiện. Qua đó, chất lượng xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản QPPL của tỉnh Gia Lai đã có những điểm tích cực, đạt nhiều điểm đáng ghi nhận. Về cơ bản, công tác tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền đã được tỉnh Gia Lai thực hiện tốt, bài bản đúng quy định. Ngoài công tác tự kiểm tra, Tỉnh còn tổ chức các đoàn kiểm tra theo địa bàn đối với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh qua đó kịp thời chỉ rõ và hướng dẫn tư pháp địa phương kịp thời khắc phục, chỉnh lý theo đúng quy định pháp luật, qua đó, góp phần đảm bảo trật tự an ninh ổn định, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, qua nghe báo cáo và trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng nhận thấy, trong công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL của địa phương vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Điển hình là còn tình trạng một số sở, ban, ngành còn chưa chủ động tham mưu thực hiện thường xuyên, kịp thời ngay khi có căn cứ rà soát; chưa chủ động trong tham mưu, xử lý kết quả. Lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác kiểm tra, rà soát văn bản. Cùng với đó, đâu đó vẫn còn tình trạng một số đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản, còn xem đây là nhiệm vụ chuyên môn riêng của cơ quan Tư pháp.
Để bảo đảm chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, trong thời gian tới, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị:
HĐND tỉnh Gia Lai cần tăng cường giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong hoạt động xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, thẩm tra, ban hành văn bản QPPL, nhất là nhiệm vụ thẩm tra dự thảo văn bản QPPL theo thẩm quyền. 
UBND tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cơ quan tham mưu như Sở Tư pháp, các Sở, ban, ngành liên quan thi hành nghiêm, hiệu quả và thực hiện tốt hơn công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản QPPL, bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhất là những nội dung liên quan đến xây dựng và ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn. 
Đồng thời Thứ trưởng cũng đề nghị HĐND, UBND tỉnh cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và đóng góp của công tác pháp chế trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, đề nghị UBND có giải pháp tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL và tiếp tục quan tâm, bố trí biên chế, kinh phí hợp lý cho công tác này; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các Sở, ngành trong công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị đề cao tính chủ động, tính chịu trách nhiệm của các Sở, ngành chuyên môn hơn trong công tác xây dựng, tham mưu ban hành văn bản của các cơ quan chủ trì soạn thảo; trách nhiệm của các cơ quan trong việc tự rà soát văn bản QPPL do chính cơ quan mình ban hành; tăng cường phối hợp chặt chẽ và huy động sự tham gia của Sở Tư pháp trong công tác xây dựng và ban hành, thẩm định văn bản QPPL ngay từ khâu lập đề nghị, soạn thảo văn bản để kịp thời đề xuất và xây dựng văn bản chất lượng, phù hợp, khả thi, đúng quy định. Nghiên cứu kỹ các ý kiến góp ý, thẩm định của Sở Tư pháp trong quá trình tham mưu, ban hành văn bản của địa phương. 
Đối với các văn bản có sai phạm, sai sót được chỉ ra tại buổi làm việc, đề ghị UBND kịp thời khắc phục những sai sót trong việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL đã được Đoàn công tác nêu tại buổi làm việc và thông báo kết quả xử lý văn bản cho Bộ Tư pháp trong thời hạn quy định; rút kinh nghiệm về việc xác định ngày ban hành nghị quyết QPPL của HĐND hay đề xuất ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn xuất ban hành văn bản cần tuân thủ theo Luật Ban hành văn bản QPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP). 
Về các kiến nghị của địa phương về những khó khăn, vướng mắc về thể chế, quy định trong Luật Ban hành văn bản QPPL và các Nghị định hướng dẫn thi hành, Đoàn ghi nhận và đánh giá cao những kiến nghị xác đáng, mang tính thực tiễn đang triển khai tại địa phương. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2016/NĐ-CP, Bộ Tư pháp sẽ tổng hơp và đề xuất sửa đổi, bổ sung để kịp thời xử lý các vướng mắc về mặt thể chế tại địa phương.
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng lòng, phối hợp của các cơ quan, ban ngành liên quan, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại Gia Lai sẽ được thực hiện bài bản, có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới – Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu.
Tiếp thu ý kiến của Đoàn Công tác, đồng chí Phó Chủ tịch cảm ơn sự quan tâm của các Bộ, ngành trung ương đã chia sẻ, góp ý và chỉ ra những tồn tại, hạn chế của địa phương để từ đó rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.