Phát triển đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm

23/11/2023
Phát triển đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm
Sáng 23/11, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cùng dự.
Xác định rõ vai trò chủ đạo của giao thông vận tải đường sắt trong hệ thống giao thông vận tải cả nước
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 (được sửa đổi, bổ sung bằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018) là văn bản pháp lý quan trọng, đã kịp thời thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với mọi hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt. Sau hơn 05 năm triển khai thực hiện Luật Đường sắt 2017 đã đạt được một số kết quả cụ thể như: xác định rõ vai trò chủ đạo của giao thông vận tải đường sắt trong hệ thống giao thông vận tải cả nước; vai trò của Nhà nước trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh đường sắt, phát triển công nghiệp đường sắt; thu hút nguồn lực tham gia đầu tư, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt; quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý đất dành cho đường sắt.
 

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật Đường sắt 2017 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt chưa phát huy được hiệu quả; việc huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt chưa đạt kết quả cao;...
Vì vậy, việc ban hành Luật Đường sắt (sửa đổi) là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt; xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật về sử dụng đất cho xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh đường sắt; tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình đầu tư các tuyến đường sắt theo quy hoạch; đồng thời ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đường sắt.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giao thông đường sắt
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 28/02/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó quy định các nhiệm vụ, giải pháp có liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để phát triển giao thông đường sắt. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát tổng thể, bám sát Kết luận số 49 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác có liên quan đến những nội dung chỉ đạo việc hoàn thiện về cơ chế, chính sách phát triển giao thông đường sắt. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần tham khảo thêm các kinh nghiệm quốc tế về kết cấu hạ tầng đường sắt và nghiên cứu tính khả thi khi đề xuất chuyển đổi, phát triển phương tiện, thiết bị, hạ tầng đường sắt sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
 

Đại diện Văn phòng Chính phủ (phải).

Cơ bản nhất trí với các chính sách được đề xuất, đại diện Bộ Công an đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thống kê đối với Thông tư số 32/2018/TT-BGTVT ngày 08/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, nội dung kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt của lực lượng Cảnh sát giao thông tại Mục I.1 Phần thứ nhất của dự thảo BC tổng kết 05 năm thực hiện Luật Đường sắt 2017 và Phụ lục số 01 kèm theo. Đồng thời, cho ý kiến về niên hạn sử dụng đối với các phương tiện giao thông đường sắt. Đồng chí đánh giá đây là nội dung cần thiết để bảo đảm chất lượng lượng phương tiện, vì vậy, thay vì bỏ hẳn quy định về niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt thì nên nghiên cứu, sửa đổi quy định để phù hợp với thực tiễn và các quy định pháp luật có liên quan.
 

Đại diện Bộ Công an.

Còn đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá dự thảo Đề cương chi tiết dự kiến bổ sung một số nội dung chưa phù hợp với quy định hiện hành như: (i) Cho phép tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để triển khai ; (ii) Cho phép tỉ lệ vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư tối đa không quá 80% ; (iii) Cho phép địa phương này được sử dụng ngân sách của mình đầu tư cho địa phương khác đối với các tuyến đường sắt vùng do các địa phương đầu tư. Do đó, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ lý do cần quy định các nội dung nêu trên trong dự thảo Luật; đồng thời bổ sung nội dung đánh giá tình hình thực hiện các dự án có sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (bao gồm các dự án đã hoàn thành và đang thực hiện trong thời gian qua) tại phần "Đánh giá kết quả đạt được" của Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đường sắt 2017.
 

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
 
Rà soát tổng thể hệ thống pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật về quản lý đường sắt
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Về cơ bản, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đường sắt 2017 và các chính sách được Bộ Giao thông vận tải đề xuất. 
Để hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo gia cố, bổ sung thêm các cơ sở chính trị như Nghị quyết 12-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời rà soát các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong lĩnh vực đường sắt, nghiên cứu bổ sung kinh nghiệm quốc tế đối với việc phát triển đường sắt để làm cơ sở đề xuất các giải pháp tại các chính sách.
 
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận phiên họp.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đường sắt có liên quan đến một số văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật (như: Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước) và các dự án Luật đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến (như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Đường bộ, dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ). Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiến hành rà soát tổng thể hệ thống pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
Ngoài ra, Thứ trưởng cho ý kiến cụ thể về các nội dung như ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt; phân cấp, phần quyền trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường sắt; nội dung báo cáo đánh giá tác động chính sách…
 
Bộ Giao thông vận tải đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) tập trung vào 6 chính sách: (1) Ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt; (2) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; (3) Quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; (4) Hoạt động vận tải đường sắt; (5) Kết nối các phương thức vận tải; (6) Phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt.
 
Anh Thư - Trung tâm Thông tin