Kiểm tra tình hình thi hành PL về quản lý, điều hành giá các dịch vụ thiết yếu tại Phú Thọ

08/11/2023
Kiểm tra tình hình thi hành PL về quản lý, điều hành giá các dịch vụ thiết yếu tại Phú Thọ
Sáng ngày 08/11, Đoàn Công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu; lao động việc làm tại tỉnh Phú Thọ. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, có ông Phan Trọng Tấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại diện Lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Phú Thọ.
Báo cáo với Đoàn công tác, bà Trần Thị Nhung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 28/01/2023 về việc ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023, UBND tỉnh Phú Thọ đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 446/KH-UBND ngày 16/02/2023 về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị theo dõi THTHPL đối với lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023 đối với các lĩnh vực theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, bao gồm: Quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu và lĩnh vực lao động và việc làm.
Để triển khai công tác này, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện công tác theo dõi THTHPL trên địa bàn liên quan đến công tác quản lý giá, lao động, việc làm. Các sở, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định chi tiết đúng thẩm quyền, trình tự và thủ tục, mang tính khả thi cao; UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh về việc chấp hành các quy định pháp luật; việc xử lý vi phạm đã được thực hiện kịp thời, nghiêm túc; công tác TDTHPL của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023 đã mang lại hiệu quả tích cực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
 
Toàn cảnh buổi làm việc
 
Đối với các điều kiện thi hành pháp luật, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm đến tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực và kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này. Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức sâu sắc được vị trí, tầm quan trọng thi hành pháp luật và áp dụng pháp luật trong thực thi nhiệm vụ. Từ đó phát huy vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực giá, lao động và việc làm.
Theo báo cáo, năm 2023, kết quả TDTHPL trong lĩnh vực giá các mặt hàng thiết yếu của tỉnh đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước lĩnh vực thời gian qua. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã được UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời, đầy đủ. Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng, BHXH được quan tâm đúng mức; việc bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu được chú trọng. Đối với các mặt hàng có nhiều biến động về thị trường như: Xăng dầu, điện, thóc gạo, sữa, thuốc và phân bón,… UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng hướng dẫn, giải quyết các khó khăn trong triển khai thi hành Luật Giá, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thi hành; rà soát các quy định của pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi trong thực tiễn áp dụng để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật, giảm thiểu các vi phạm pháp luật về hành chính, dân sự và hình sự. Nhìn chung, việc tổ chức thi hành pháp luật kịp thời, đầy đủ quy định trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về công tác TDTHPL tại địa phương, UBND tỉnh Phú Thọ cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định như đội ngũ công chức được giao thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; việc kiện toàn tổ chức, bộ máy và biên chế làm công tác theo dõi thi hành pháp luật nói riêng và công tác pháp chế nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP khi hầu hết các sở, ngành chưa thành lập được Phòng pháp chế mà đa số bố trí cán bộ kiêm nhiệm; kinh phí bố trí cho công tác TDTHPL còn thấp. Cùng với đó, công tác theo dõi THTHPL về quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn, đối tượng rộng, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 Qua nghe báo cáo của địa phương, các thành viên trong Đoàn công tác cũng có phản hồi, yêu cầu cung cấp, làm rõ thêm những thông tin để có đánh giá tổng thể, khách quan về công tác TDTHPL trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Về phía địa phương, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan đã bám sát nội dung, yêu cầu và bước đầu cung cấp các thông tin, tài liệu và trao đổi, trả lời những ý kiến, vấn đề Đoàn công tác đặt ra.
 
Ý kiến của Đoàn công tác là kênh thông tin quan trọng cho UBND thực hiện tốt hơn công tác điều hành, quản lý tại địa phương
Trao đổi với Đoàn công tác, ông Phan Trọng Tấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương về TDTHPL. Việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực giá, lao động, việc làm về cơ bản đã đạt được những kết quả ban đầu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh đó, ông Tấn cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của địa phương đồng thời thông tin về một số vướng mắc, chồng chéo trong quy định pháp luật gây khó khăn trong cách hiểu, áp dụng pháp luật của địa phương. Tỉnh trân trọng cảm ơn, đánh giá cao các ý kiến góp ý cụ thể và bổ ích của Đoàn cho địa phương về các nội dung liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh; việc ban hành các văn bản quy định chi tiết của các sở, ban, ngành địa phương; về tổ chức TDTHPL và ý thức tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp; về các điều kiện bảo đảm như tổ chức bộ máy...

Đồng chí Phan Trọng Tấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ
 
Đối với những ý kiến của đoàn công tác, Phó Chủ tịch giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các quận, huyện tiếp thu ý kiến của đoàn liên ngành đã nêu; tổ chức rà soát, hoàn thiện báo cáo của địa phương, trong đó lưu ý bổ sung các số liệu, tài liệu cụ thể về xử lý vi phạm hành chính, việc xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân, doanh nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của Sở Tư pháp trong công tác tham mưu, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND, HĐND; yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong công tác góp ý, xây dựng, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chú trọng công tác tự rà soát, hệ thống hóa văn bản để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực hoặc có văn bản quy pháp pháp luật quy định nội dung mới để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
 
Tỉnh Phú Thọ cần quan tâm, kiện toàn đội ngũ cán bộ pháp chế thực hiện công tác TDTHPL
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh ghi nhận sự quan tâm, chỉ đạo đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật của tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ; sự nỗ lực của Sở Tư pháp và những khó khăn, vướng mắc địa phương đã nêu cụ thể trong báo cáo. Qua nội dung trao đổi tại buổi làm việc có thể thấy công tác chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ theo dõi TDTHPL được Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ chú trọng, việc ban hành văn bản quy định chi tiết được triển khai thực hiện nghiêm túc, thống nhất, kịp thời, đầy đủ và hiệu quả; tình hình tuân thủ pháp luật được thực hiện tốt, cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền tổ chức thi hành pháp luật kịp thời, đầy đủ các quy định của pháp luật; công tác PBGDPL được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật của mọi tầng lớp Nhân dân, đảm bảo trật tự an ninh luôn ổn định, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đối với báo cáo công tác TDTHPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành của tỉnh năm 2023, Thứ trưởng yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa Báo cáo, trong đó bổ sung thêm các số liệu cụ thể, rà soát và xác định đúng các văn bản được ban hành theo lĩnh vực được kiểm tra, các văn bản đã hết hiệu lực đồng thời cần kịp thời cập nhật, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trong lĩnh vực theo dõi trọng tâm liên ngành đã được chỉ ra nhưng chưa được nêu trong báo cáo. UBND tỉnh cần đánh giá cụ thể tình hình tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp; tình hình xử lý đơn thư, khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính; hiệu quả về công tác phối hợp giữa các sở, ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, cá nhân trong công tác TDTHPL và kết quả phản ánh chính sách, xử lý kết quả TDTHPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Liên quan đến Công tác pháp chế, xây dựng, TDTHPL, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành Phú Thọ đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục quán triệt, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và ban hành VBQPPL đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các cấp, các ngành, địa phương. Trong đó, tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, tập trung nguồn lực thực hiện tốt Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), các Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, trong đó chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng và tiến độ xây dựng VBQPPL. Tăng cường vai trò của cơ quan tư pháp trong công tác tham mưu thực hiện công tác xây dựng, ban hành VBQPPL.
Với các văn bản tỉnh Phú Thọ đã ban hành liên quan đến TDTHPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành, Thứ trưởng đề nghị Tỉnh chỉ đạo các cơ quan rà soát thường xuyên để kịp thời xử lý các văn bản của HĐND, UBND, đặc biệt lưu ý tới các văn bản mà Đoàn kiểm tra đã chỉ ra trong cuộc họp, là những Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND tỉnh mà căn cứ ban hành các nghị quyết này đã hết hiệu lực, có sai sót về mặt thể thức ban hành.... để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và tính chính xác trong căn cứ pháp lý của văn bản.
Tăng cường hơn nữa vai trò đầu mối tham mưu, tổ chức thực hiện của Sở Tư pháp và sự chủ động, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc xây dựng, góp ý, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL; gắn kết chặt chẽ các hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản QPPL với công tác xây dựng và TDTHPL để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật, tạo môi trường pháp lý phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần quan tâm đúng mức đến công tác thanh tra công vụ, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong các lĩnh vực này.
Để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ này trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị tỉnh Phú Thọ cần quan tâm hơn đến xây dựng đội ngũ thực hiện công tác TDTHPL, bố trí kinh phí và các điều kiện đảm bảo khác cho thực hiện công tác TDTHPL theo quy định. Nghiên cứu, sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính và các dữ liệu chuyên ngành theo quy định. Quan tâm làm tốt công tác phối hợp, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị để thực hiện công tác TDTHPL rà soát văn bản quy phạm pháp luật tốt hơn nữa.
Thứ trưởng cũng thông tin về việc Chính phủ đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP với những cách tiếp cận mới, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; trong đó tập trung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mô hình của các tổ chức pháp chế; xây dựng, xác định rõ vị trí việc làm cho cán bộ pháp chế; nghiên cứu bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp đối với cán bộ pháp chế nhằm thu hút những người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao công tác trong lĩnh vực này. Thứ trưởng đề nghị UBND TP Phú Thọ tiếp tục duy trì, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức pháp chế.
Đoàn Kiểm tra ghi nhận các kiến nghị của đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện Lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trong quá trình làm việc, trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các kiến nghị của UBND đã nêu.
Tiếp thu ý kiến của Đoàn Công tác, ông Phan Trọng Tấn cảm ơn sự quan tâm của các Bộ, ngành trung ương đã chia sẻ, góp ý và chỉ ra những tồn tại, hạn chế của địa phương để từ đó rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh nội dung, tổng hợp báo cáo trình UBND tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo.

Hình ảnh đại diện Sở Tư pháp và các ban, ngành báo cáo về một số nội dung về công tác TDTHPL trong các lĩnh vực: