Kể từ Lễ công bố Ngày Pháp luật đầu tiên (9/11/2013), đến nay sau 11 năm triển khai hưởng ứng, mỗi Ngày Pháp luật đi qua đều để lại những dấu ấn khó phai.
Ngày Pháp luật đầu tiên
Năm 2013, năm đầu tiên Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có hiệu lực thi hành và cũng là năm đầu tiên Ngày 9/11 trở thành Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Đây cũng là năm ghi nhận một sự kiện hệ trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Để đánh dấu sự kiện quan trọng này, ngày 08/11/2013 tại Hà Nội, Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương và Bộ Tư pháp đã tổ chức Lễ Công bố “Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam”.
Theo đó, Ngày Pháp luật năm 2013 được triển khai với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Ngày pháp luật là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật. Ngày Pháp luật năm 2013 có ý nghĩa đặc biệt khi tạo tiền đề, là cơ sở để tổ chức Ngày Pháp luật trong những năm tiếp theo có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả thiết thực.
Nhằm tiếp tục tổ chức Ngày Pháp luật một cách thiết thực, hiệu quả theo đúng quy định của Luật PBGDPL, trên cơ sở phát huy kết quả kinh nghiệm tổ chức Ngày Pháp luật đầu tiên năm 2013, việc tổ chức Ngày pháp luật năm 2014 được chuẩn bị khá chủ động, với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Một trong những hoạt động được coi là điểm nhấn của Ngày Pháp luật năm 2014 là việc tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”.
Đây là cuộc thi với quy mô toàn quốc, được tổ chức trên cơ sở Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 13/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ với mục đích hướng tới là phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung của Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động và người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ Hiến pháp; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển đất nước vững mạnh, tăng cường khả năng tự vệ, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
Tiếp nối thành công của các cuộc thi trước đó, chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2017 “nở rộ” với các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Trong đó có thể kể đến Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2017 gắn với tổng kết và trao giải cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015” (Hà Nội, Bắc Kạn); tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (tỉnh Khánh Hòa); sự kiện “Ngày hội Pháp luật”, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật định kỳ tại các nhà trường, “Tuần lễ tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí”, “Phiên Tòa giả định” (thành phố Hồ Chí Minh)…
Sôi nổi, đa dạng các hoạt động
Sau 5 năm kể từ lễ công bố, Ngày Pháp luật đã từng bước đi vào cuộc sống; hỗ trợ để hệ thống luật pháp tiếp tục được hoàn thiện với trọng tâm bảo vệ quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; thiết lập hành lang pháp lý minh bạch và thuận lợi; thu hút nhân dân tham gia, tạo cơ chế phản biện và sự đồng thuận trong xã hội. Cùng với đó, công tác thi hành pháp luật được đẩy mạnh, đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch; kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức được tăng cường; quá trình chống tham nhũng, các hành vi tiêu cực trong hoạt động bộ máy nhà nước được đẩy mạnh; mọi hành vi vi phạm đều được xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh, hạn chế oan sai, khiếu kiện…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (thứ 3 từ trái qua) cùng một số Lãnh đạo bấm nút chính thức phát động cuộc thi trực tuyến Pháp luật học đường
Để đánh dấu dấu mốc quan trọng này, ngày 9/11/2018, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2018 với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu để Ngày Pháp luật các năm tiếp theo thực sự thiết thực, ý nghĩa.
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019, tại Trường THPT Chu Văn An, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tập đoàn Giáo dục Egroup tổ chức phát động Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường”. Cuộc thi không tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em học sinh mà còn góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường.
Năm 2020 đi qua với khó khăn chồng chất khó khăn, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, trong đó có cả công tác tuyên truyền PBGDPL. Tuy nhiên, biến khó khăn thành động lực, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam đã được triển khai rộng khắp tại các bộ, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, địa phương. Trong đó có một số điểm nhấn như: Tổ chức Lễ mít tinh (Bộ Công an, TP Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh…); Chương trình tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên dưới hình thức sân khấu hoá (Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia); thi, giao lưu pháp luật và tổng kết các cuộc thi tìm hiểu pháp luật (Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ…); Ngày hội pháp luật gắn với tư vấn pháp luật cho người dân (TP Hồ Chí Minh…); tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội nghị về phổ biến, giáo dục pháp luật (tỉnh Hà Nam, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Lào Cai, tỉnh Hà Giang, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Trà Vinh…); tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật (tỉnh Hải Dương…); tổ chức các phiên tòa giả định…
Những điểm nhấn ấn tượng
Năm 2021, cả nước thực hiện Ngày Pháp luật 9/11 với điểm nhấn là Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” lần đầu tiên được tổ chức. Đây là hoạt động do Bộ Tư pháp chỉ đạo, giao Báo PLVN thực hiện nhằm biểu dương, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong xây dựng thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 hàng năm.
Dù chương trình triển khai khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thách thức đặt ra; nhưng cơ bản đã đảm bảo chất lượng, tiến độ cũng như các yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Báo PLVN đã phát hiện và đăng tải giới thiệu gần 200 gương mặt tiêu biểu ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền khác nhau. Trên cơ sở đó, Hội đồng bình chọn đã lựa chọn, tôn vinh 50 “Gương sáng Pháp luật” là những điển hình tiêu biểu nhất về trí tuệ, nghị lực, bản lĩnh, đức hy sinh và sự cống hiến vì Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; lan tỏa và truyền cảm hứng nâng cao ý thức tôn trọng và làm theo Hiến pháp, pháp luật của nhân dân.
Năm 2022, Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương đã long trọng tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam sau 10 năm triển khai hưởng ứng. Đây là hoạt động quan trọng trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 trên phạm vi cả nước. Điểm nhấn của buổi Lễ là Phóng sự “Ngày Pháp luật Việt Nam - 10 năm nhìn lại” đánh giá, nhìn lại kết quả 10 năm triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam trên cả nước với thành tựu xuyên suốt quá trình xây dựng, thi hành pháp luật, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội. Tại buổi lễ, có phần giao lưu, tọa đàm trên sân khấu giữa các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong 10 năm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và 10 năm thực hiện Luật PBGDPL năm 2012. Buổi lễ vinh dự có sự tham gia và phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về định hướng triển khai hiệu quả Ngày Pháp luật Việt Nam trong thời gian tới.
Bước sang năm thứ 11, Ngày Pháp luật năm 2023 tiếp tục được triển khai rộng khắp tại các Bộ, ngành, địa phương, trong đó điểm nhấn là Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, Chương trình bình chọn, tôn vinh Gương sáng pháp luật năm 2023 lần II và Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Có thể nói, 11 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát, chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân; nỗ lực của các cơ quan, cùng với sự chủ động tham mưu của Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp và của ngành Tư pháp, việc triển khai Ngày Pháp luật đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tinh thần Ngày Pháp luật đã và đang được lan tỏa, thẩm thấu sâu hơn trong đời sống xã hội, góp phần trực tiếp vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và qua đó góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.