Công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2023: Ghi dấu ấn với nhiều kết quả nổi bật

20/07/2023
Công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2023: Ghi dấu ấn với nhiều kết quả nổi bật
Ngày 20/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2023 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu (điểm cầu Trung ương - điểm cầu chính và điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Hội nghị do đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khánh Ngọc, Mai Lương Khôi, Nguyễn Thanh Tịnh cùng dự. Dự Hội nghị sơ kết còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan của Quốc hội và địa phương.
Các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành, đạt được nhiều kết quả tích cực
Trong 6 tháng đầu năm, cùng với việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, Bộ, ngành Tư pháp đã tập trung nguồn lực triển khai các nhiệm vụ được giao thêm. Cụ thể, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 97 nhiệm vụ, trong đó, đã hoàn thành 37 nhiệm vụ có thời hạn, đang tiếp tục thực hiện 60 nhiệm vụ không có thời hạn; không có nhiệm vụ quá hạn, chưa hoàn thành.
 

Hội nghị do đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì cùng sự tham dự của các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khánh Ngọc, Mai Lương Khôi, Nguyễn Thanh Tịnh.
 
Về công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong năm 2022, chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (xếp thứ 2) trong số các bộ, ngành được đánh giá. Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), tiếp tục hoàn thiện Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ được Lãnh đạo Bộ chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, Bộ Tư pháp ban hành 05 Quyết định công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ, công bố công khai đối với 99 TTHC (22 TTHC được ban hành mới, 44 TTHC được sửa đổi, bổ sung, 33 TTHC bị bãi bỏ) thuộc các lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, trợ giúp pháp lý, hộ tịch và nhóm lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Về công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật, Bộ Tư pháp, các Tổ chức pháp chế các bộ, ngành và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực thực hiện. Trong 06 tháng đầu năm 2023, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 186 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (giảm 69 văn bản so với cùng kỳ 2022); các địa phương ban hành 1.540 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 39 văn bản so với cùng kỳ năm 2022), 1.135 VBQPPL cấp huyện (tăng 171 văn bản so với cùng kỳ năm 2022) và 57 VBQPPL cấp xã (giảm 421 văn bản so với cùng kỳ năm 2022).
 

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp báo cáo công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2023
 
Đối với công tác thi hành án dân sự, trong 09 tháng đầu năm 2023 (thời gian tính theo tháng kế tiếp tháng tổng kết của năm liền trước), hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong 382.058 việc, tăng 33.568 việc, đạt tỉ lệ 66,53% (tăng 2,18% so với cùng kỳ năm 2022), với trên 70.278 tỷ 705 triệu 371 nghìn đồng; tăng hơn 18.111 tỷ 946 triệu 392 nghìn đồng (tăng 34,72% so với cùng kỳ năm 2022), đạt tỉ lệ 32,45% (tăng 2,98% so với cùng kỳ năm 2022). Kết quả theo dõi thi hành án hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể các cơ quan THADS thực hiện theo dõi 897 việc, trong đó số cũ chuyển sang là 539 việc, số tiếp nhận mới là 358 việc; thi hành xong 216 việc (tăng 140% so với cùng kỳ năm 2022); đang tiếp tục thi hành 681 việc.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng luôn được Bộ, ngành Tư pháp quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện. Bộ Tư pháp, các cơ quan tư pháp địa phương đã tập trung nguồn lực, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (sau đây gọi là Đề án 06); Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo, đạt được một số kết quả nổi bật như: Hoàn thành nhiệm vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật; nâng cấp, bổ sung tính năng tạo lập bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử của Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, gửi cho Phần mềm dịch vụ công (DVC) liên thông, thực hiện liên thông 2 nhóm TTHC liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử để triển khai thí điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam; hoàn thành kết nối 58 DVC của Bộ với Cổng DVC quốc gia;...
Các công tác khác như: Pháp luật quốc tế; tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật; quản lý xử lý vi phạm hành chính; truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng Ngành; đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học pháp lý; hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp; kế hoạch, tài chính; xuất bản, báo chí; thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thi đua, khen thưởng tiếp tục được triển khai nghiêm túc, chủ động, bám sát các văn bản chỉ đạo của của các cấp và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tập trung nguồn lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trong 06 tháng cuối năm
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, trong 06 tháng cuối năm, Bộ, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; tập trung nguồn lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, tránh lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2023; tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài; chủ động, tích cực tổ chức thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế để thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước.
Chú trọng thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL; tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức PBGDPL, tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác, gắn kết công tác PBGDPL với công tác xây dựng và tổ chức THPL, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chú trọng PBGDPL cho đối tượng đặc thù, đưa thượng tôn pháp luật trở thành chuẩn mực trong ứng xử của các chủ thể trong xã hội.
Ngoài ra, Bộ, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực công tác khác của Bộ.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục và tổ chức thi hành pháp luật; đánh giá công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật ở cơ quan, đơn vị, địa phương; giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu về việc và về tiền trong công tác THADS, thúc đẩy thi hành án hành chính;...
Theo đó, đại diện Sở Tư pháp Bình Thuận đề xuất Bộ Tư pháp xem xét đánh giá về công tác tư pháp tại địa phương, đặc biệt là thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp. Đồng chí cũng đề xuất Bộ Tư pháp có ý kiến bằng văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc đề nghị UBND cấp tỉnh xem xét, tiếp tục duy trì chức năng thanh tra chuyên ngành của Sở Tư pháp khi triển khai thi hành Luật Thanh tra năm 2022; qua đó tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực bổ trợ tư pháp ở địa phương.
 
Đồng chí Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, trong thời gian qua, công tác kiểm tra, tự kiểm tra trong Hệ thống THADS được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hệ thống; nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác công tác này, đồng chí đề xuất một số giải pháp như: Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, vai trò chỉ đạo thực hiện của Lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm tra và tự kiểm tra; đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, kịp thời và hiệu quả; nghiên cứu, bổ sung quy định pháp luật về các loại hình kiểm tra, trình tự, thủ tục kiểm tra làm căn cứ pháp lý cho hoạt động kiểm tra vào văn bản quy phạm hướng dẫn thi hành Luật THADS; nâng cao trình độ, kỹ năng cho công chức, đặc biệt kỹ năng về kiểm tra;...
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo đúng thời hạn, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long đã điểm lại một số kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm của Bộ, ngành Tư pháp. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long trân trọng cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp trong cả nước.
Trong bối cảnh, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, nhất là liên quan đến triển khai Nghị quyết số 27, chương trình chuyển đổi số quốc gia và Đề án số 06, để hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, người đứng đầu các tổ chức pháp chế, Giám đốc Sở Tư pháp và Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát kỹ các chương trình, kế hoạch công tác, tập trung nguồn lực tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác tư pháp.
Cụ thể, Bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, chủ động thực hiện các nhiệm vụ trong công tác xây dựng pháp luật đảm bảo đúng thời hạn, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác này. Đặc biệt, tư pháp địa phương cần tham gia tích cực hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là đối với các dự luật mà Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, ban hành; tăng cường công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền.
 

Bộ trưởng Lê Thành Long kết luận Hội nghị.
 
Bên cạnh đó, hệ thống THADS cần tập trung nguồn lực, kịp thời có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành các chỉ tiêu THADS được giao năm 2023; quan tâm hơn nữa tới công tác thu hồi tài sản nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong toàn hệ thống THADS.
Đối với Đề án 06, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau để triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao. Đồng thời, các địa phương cần chủ động thông tin, phối hợp kịp thời với các đơn vị liên quan thuộc Bộ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ tại Đề án; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. 
Ngoài những nhiệm vụ trên, Bộ trưởng nhấn mạnh lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp địa phương phải nêu cao tính gương mẫu đi đầu, không đùn đẩy, né tránh, dám đương đầu và có bản lĩnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:








Hình ảnh Hội nghị tại các điểm cầu






Các Thứ trưởng Mai Lương Khôi, Nguyễn Khánh Ngọc, Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại Hội nghị.






Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị.
 
Anh Thư, Thu Nga - Trung tâm Thông tin