Chủ động, sáng tạo trong tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV

18/07/2023
Chủ động, sáng tạo trong tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV
Sáng 18/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì buổi làm việc với Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và các đơn vị có liên quan về Hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên, Tổ trưởng Tổ Thư ký đã báo cáo tiến độ triển khai thực hiện Quyết định số 791/QĐ-HĐPH ngày 24/5/2023 của Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, cụ thể:
Về việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản chuẩn bị Hội thi, Bộ Tư pháp đã có Công văn gửi 03 Sở Tư pháp: Hải Phòng, Khánh Hoà, Tây Ninh về việc phối hợp tổ chức Hội thi vòng khu vực. Các Sở Tư pháp đã có Công văn trả lời nhất trí với đề xuất của Bộ Tư pháp về việc lựa chọn địa điểm thi Vòng thi khu vực; Công văn số 2023/CV-HĐPH ngày 22/5/2023 của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương gửi các cơ quan, đơn vị liên quan cử cán bộ tham gia Ban Tổ chức, Tổ Thư ký giúp việc Ban Tổ chức Hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV; Quyết định số 1159/QĐ-HĐPH ngày 27/6/2023 của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương về việc thành lập Ban Tổ chức, Tổ Thư ký giúp việc Ban Tổ chức Hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV.
 
Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên, Tổ trưởng Tổ Thư ký báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các công việc
 
Về việc chuẩn bị nội dung phục vụ Hội thi, Cục đã xây dựng dự thảo Thể lệ Hội thi, bộ nhận diện Hội thi và thiết kế logo, khẩu hiệu, maket, nội dung băng rôn, pano...; tổ chức cuộc họp thành viên Tổ Thư ký Hội thi để cho ý kiến đối với dự thảo Thể lệ, bộ nhận diện Hội thi, kinh phí tổ chức Hội thi và công tác chuẩn bị tổ chức Hội thi. Cục cũng trình Thứ trưởng ký Công văn gửi các Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị cung cấp câu hỏi trắc nghiệm và các tình huống hoà giải điển hình ở cơ sở. Tính đến ngày 12/7/2023 đã có 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi câu hỏi về Bộ Tư pháp, Cục đang khẩn trương tổng hợp, rà soát, hoàn chỉnh bộ câu hỏi.
Về công tác chuẩn bị Hội thi tại 03 địa phương - nơi đặt địa điểm tổ chức vòng thi khu vực, lãnh đạo thành uỷ, tỉnh uỷ, UBND thành phố Hải Phòng, tỉnh Khánh Hoà, tỉnh Tây Ninh đã đồng ý và sẵn sàng phối hợp với Ban Tổ chức Hội thi để tổ chức Vòng thi khu vực.
Để công tác chuẩn bị cho Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV được chu đáo, toàn diện, Tổ Thư ký xin ý kiến Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh về 3 vấn đề: Về việc ban hành Thể lệ cuộc thi; Về tài chính; Thành lập tiểu ban hội thi.
 

Toàn cảnh phiên họp do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì

Nâng cao việc phối hợp giữa trung ương với địa phương trong công tác tổ chức Hội thi  
Liên quan đến công tác truyền thông của cuộc thi, đại diện Báo Pháp luật Việt Nam cho biết đơn vị sẽ phối hợp tích cực với tinh thần trách nhiệm cao trong công tác truyền thông hội thi lần này. Với 03 vòng thi ở các cơ sở, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ phát huy vai trò, năng lực của đội ngũ phóng viên ở cấp cơ sở để nhanh chóng nắm bắt, đưa tin về cuộc thi… Đồng thời, mặt hình ảnh cũng rất quan trọng, cần sử dụng các phương tiện ghi hình, phát trực tiếp để có sức lan tỏa hơn nữa. Đồng thời, Ban Tổ chức cần phối hợp với các đài truyền hình trung ương nhằm phát sóng các phóng sự. Ở các tỉnh, cần chủ động kết nối với các cơ quan báo chí ở địa phương nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Đài truyền hình và báo chí địa phương, cũng như các Sở Tư pháp ở các tỉnh.
 

Đại diện Báo pháp luật Việt Nam phát biểu cho ý kiến tại phiên họp

Cho ý kiến về việc tổ chức hội thi, Đại diện Văn phòng Bộ Tư pháp cho rằng, Ban Tổ chức cần có văn bản cụ thể gửi đến 63 tỉnh thành mời tham gia, đặc biệt 4 địa phương tổ chức Hội thi, đồng thời cần phát huy hơn nữa vai trò của công tác tổ chức và truyền thông, qua đó đẩy mạnh việc tuyên truyền công tác hòa giải đến cộng đồng. Huy động nguồn nhân lực, kinh phí, có kế hoạch cụ thể làm việc với các địa phương để phối hợp trong công tác tổ chức (hậu cần, địa điểm, logistic,...). Thành lập các tiểu ban, "rõ người rõ việc", xác định thời gian cụ thể để bám sát theo quy trình vận hành, tổ chức thực hiện.
Liên quan công tác truyền thông về Hội nghị, đồng chí Tạ Thành Trung, Phó 
Cục Công nghệ thông tin nhấn mạnh, cần phải chú trọng việc truyền thông ngay cả trước, trong và sau sự kiện để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về Hội thi trên toàn quốc. Bên cạnh đó, đồng chí cũng cho rằng, có thể nghiên cứu, xem xét việc xây dựng chuyên mục về Hội thi trên Cổng thông tin Bộ Tư pháp. Ngoài ra, Ban Tổ chức Hội thi cần phối phợp chặt chẽ với các tỉnh, địa phương trong công tác truyền thông, để thông tin về cuộc thi được truyền thông một cách nhanh chóng, kịp thời. 
 



Đại diện các đơn vị phát biểu góp ý tại phiên họp
.
Phát huy tính sáng tạo, chủ động trong công tác triển khai tổ chức Hội thi
Tổng hợp lại các ý kiến phát biểu tại phiên họp, Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc cảm ơn những đóng góp, đề xuất của đại diện các đơn vị, đồng chí nhấn mạnh công tác phối hợp giữa Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương với địa phương trong khâu tổ chức là hết sức quan trọng. Tại mỗi giai đoạn khác nhau, việc tổ chức hội thi sẽ có những màu sắc khác nhau, với vai trò của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, đồng chí mong muốn hội thi sẽ đảm bảo được về tính quy mô, có sức lan tỏa, mang lại giá trị cho cộng đồng. Đồng chí Lê Vệ Quốc cũng cho ý kiến về một số nội dung như: Kinh phí phục vụ tổ chức Hội thi, về điều hành, vận hành hội thi...
 
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh kết luận phiên họp

Kết luận lại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Ban Tổ chức Hội thi cần bám sát vào Quyết định số 791/QĐ-HĐPH ngày 24/5/2023 của Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV; rà soát kỹ các công việc cần triển khai thực hiện, đảm bảo tính tương xứng của cuộc thi từ thể lệ đến khen thưởng, giải thưởng,.. tạo khí thế mới cho công tác hòa giải và sức lan tỏa cho hội thi lần này. Với quy mô toàn quốc, ban tổ chức cần rà soát, nghiên cứu lại các vấn đề cụ thể, nâng cao tính sáng tạo, quyết tâm cao, tập trung, nỗ lực cao, công khai minh bạch, cân đối trong ngân sách tổ chức hội thi để đạt được hiệu quả cao trong khi nguồn lực còn hạn chế.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh công tác phối hợp giữa Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương ​với địa phương, tổ chức truyền thông rộng rãi, phát huy vai trò của các kênh truyền thông, báo chí địa phương, xây dựng phóng sự để đẩy mạnh chất lượng, sức lan tỏa của hội thi lần này. Thứ trưởng cũng nhất trí với các trao đổi của các đại biểu và đề nghị Cục PBGDPL cần tham mưu cho Lãnh đạo Bộ để định hướng phân công các thành viên trong Ban Tổ chức, thành lập các tiểu ban, thành lập Ban Tổ chức Hội thi ở cơ sở nhằm đảm bảo tính đồng bộ, phát huy tính chủ động của địa phương.
 
Thu Nga