Họp báo Quý I/2023: Chỉ số PAR INDEX Bộ Tư pháp nằm trong Top 2 cơ quan có điểm số trên 90

19/04/2023
Họp báo Quý I/2023: Chỉ số PAR INDEX Bộ Tư pháp nằm trong Top 2 cơ quan có điểm số trên 90
Đây là thông tin tại buổi họp báo về công tác tư pháp Quý I/2023 của Bộ Tư pháp mà đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp vừa cung cấp cho báo chí.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, công tác cải cách hành chính của Bộ Tư pháp trong Quý I/2023 tiếp tục được quan tâm triển khai toàn diện, bài bản. Bộ đã kết nối thành công 08 dịch vụ công thuộc lĩnh vực hộ tịch và đăng ký biện pháp bảo đảm lên Cổng dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công của Bộ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 58 dịch vụ công. Đặc biệt, theo kết quả công bố xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương PAR INDEX 2022 được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố tại phiên họp vào sáng nay, Bộ Tư pháp được xếp vào nhóm một trong hai cơ quan có điểm số trên 90 điểm.
 
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp
 
Việc triển khai thực hiện Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bắt đầu từ sáng ngày 17/4/2023, Bộ Tư pháp đã triển khai việc thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Trong ngày đầu tiên vận hành thí điểm, đã có 101 trẻ em được cấp bản điện tử Giấy khai sinh; 17 trường hợp được cấp Trích lục khai tử trên địa bàn 02 tỉnh, thành phố, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn cho biết thêm.
Thẩm định nhiều dự án luật quan trọng trong Quý I/2023
Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đạt nhiều kết quả cụ thể. Đáng chú ý, ngày 15/3, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Hội nghị đã tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng, có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, toàn diện, trực tiếp vào dự thảo Luật. Công tác thẩm định tiếp tục được Bộ Tư pháp tổ chức chặt chẽ, đúng quy định. Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 07 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 22 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có một số dự án, dự thảo quan trọng như: dự án Luật Căn cước công dân; dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030… Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã thực hiện thẩm định đối với 81 TTHC tại 09 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (05 luật, 03 nghị định, 01 quyết định) do các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo. Trong đó, Bộ đã đề nghị sửa đổi 49 thủ tục (chiếm tỷ lệ 60% tổng số thủ tục hành chính quy định tại các đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản), đề nghị quy định bổ sung 06 thủ tục.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền 1074 văn bản (gồm 74 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 1000 văn bản của địa phương). Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã có Báo cáo số 93/BC-TCT báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 của Tổ công tác và đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về định hướng hoạt động của Tổ công tác năm 2023, trong đó, tập trung kiến nghị tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu đối với quy định pháp luật để phục vụ chuyển đổi số quốc gia và rà soát quy định pháp luật để phục vụ việc triển khai Đề án 06.
Công khai kết luận thanh tra theo đúng quy định của pháp luật
Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi liên quan đến các lĩnh vực như: thi hành án dân sự, bồi thường nhà nước, thanh tra, cấp phiếu lý lịch tư pháp… được các phóng viên, nhà báo quan tâm, đặt câu hỏi với đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.

Đồng chí Đặng Minh Quân, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp
 
Liên quan đến vấn đề công khai các kết luận thanh tra trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng chí Đặng Minh Quân, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp cho biết, theo quy định của pháp luật về thanh tra, kết luận thanh tra phải được công khai. Bên cạnh việc công khai tại cuộc họp có đối tượng thanh tra thì cơ quan thanh tra sẽ chọn 1 trong các hình thức công khai kết luận thanh tra như sau: thứ nhất là niêm yết tại trụ sở của đối tượng được thanh tra, thứ 2 là đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thứ ba là đăng trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra. Đối với việc công khai bằng hình thức thứ 3 thì phải đăng trong 5 ngày liên tục. Đồng chí Đặng Minh Quân khẳng định, các kết luận thanh tra đều được Thanh tra Bộ Tư pháp công khai theo đúng quy định của pháp luật về thanh tra.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp nhận hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Về vấn đề quá tải tại các điểm cấp giấy xác minh lý lịch tư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian vừa qua, đồng chí Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp cho biết, trước tình hình dư luận phản ánh trên, ngày 21/3 Tổ công tác của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã trực tiếp làm việc với Sở Tư pháp TP.Hà Nội, đồng thời đã cử cán bộ Trung tâm “đóng vai” người dân để tìm hiểu vấn đề quá tải tại các điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Đồng chí nhận định rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là cách sắp xếp, tổ chức thực hiện công việc. Đồng chí nêu, có những nơi hồ sơ xác minh rất lớn, thậm chí hơn cả TP.Hà Nội như TP.Hồ Chí Minh hay Nghệ An, nhưng không xảy ra tình trạng quả tải. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, đồng chí còn chỉ ra nguyên nhân khách quan là do nhu cầu về lao động, việc làm của người dân là rất lớn sau đại dịch Covid 19 được kiểm soát.
 
Đồng chí Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp
 
Đồng chí Hoàng Quốc Hùng cũng đã đề nghị Sở Tư pháp TP.Hà Nội cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để chấm dứt tình trạng nêu trên, đồng thời, coi đây là nhiệm vụ chính trị được ưu tiên trong giai đoạn này của Sở Tư pháp, chứ không chỉ là của Phòng Lý lịch tư pháp. Và theo đồng chí, quan trọng nhất là phải đồng bộ việc nhận hồ sơ theo 3 phương thức trực tiếp, trực tuyến và qua bưu điện. Đối với phương thức trực tiếp, trong giai đoạn quá tải, cần tăng số lượng quầy tiếp nhận hồ sơ lý lịch tư pháp tại Bộ phận tiếp nhận từ 2 quầy lên 4 – 5 quầy; đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất làm việc, động viên tinh thần các cán bộ, công nhân viên tại Bộ phận tiếp nhận... Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn TP.Hà Nội đã không còn tình trạng quá tải, ùn ứ tại các điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp như dư luận phản ánh vừa qua.
 
An Như – Trung tâm Thông tin