Nâng cao chất lượng thẩm định quy định thủ tục hành chính

19/04/2023
Nâng cao chất lượng thẩm định quy định thủ tục hành chính
Tại phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ diễn ra sáng ngày 19/4 đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022). Theo đó, Bộ Tư pháp là 1 trong 2 Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt điểm số trên 90 điểm, xếp hạng 2.

Trình bày tham luận tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, công tác thẩm định quy định thủ tục hành chính (TTHC) trong đề nghị văn bản QPPL, dự án, dự thảo văn bản QPPL luôn được Bộ Tư pháp chú trọng thực hiện, dần đi vào ổn định, nề nếp, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ quy định TTHC ngay trong quá trình đề nghị xây dựng văn bản QPPL, dự án, dự thảo văn bản QPPL.
Năm 2022, Bộ Tư pháp thẩm định 581 TTHC tại đề nghị, dự án, dự thảo văn bản QPPL, trong đó thẩm định 173 TTHC tại đề nghị, dự án Luật, 392 TTHC tại dự thảo Nghị định, 08 TTHC tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 08 TTHC tại dự thảo Thông tư của Bộ trưởng. Trong đó, Bộ Tư pháp có ý kiến đề nghị không quy định 01 TTHC (0,17%), đề nghị sửa đổi, bổ sung 454 TTHC (chiếm 78%) số TTHC được thẩm định.
Chất lượng ý kiến thẩm định quy định TTHC ngày càng được nâng cao; đuợc các cơ quan, đơn vị chủ trì lập đề nghị, soạn thảo tiếp thu tại cuộc họp thẩm định, tạo cơ sở để hoàn thiện quy định TTHC trong quá trình xây dưng văn bản QPPL, góp phần nâng cao chất lượng quy định TTHC, chất lượng xây dựng, ban hành văn bản QPPL.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thẩm định quy định TTHC còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn hồ sơ gửi cơ quan thẩm định chưa tuân thủ theo đúng quy định Luật Ban hành văn bản QPPL và Thông tư số 03/2022/TT-BTP như Báo cáo đánh giá tác động của chính sách không có nội dung đánh giá tác động TTHC; không có Bản đánh giá TTHC trong hồ sơ dự án, dự thảo văn bản QPPL; chất lượng một số Bản đánh giá tác động TTHC vẫn còn hình thức, chưa đảm bảo theo đúng quy định; Việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định về quy định TTHC của một số cơ quan lập đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thật sự thỏa đáng.
Thời gian tới, theo Thứ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, các văn bản hướng dẫn thi hành và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật và tại các cuộc họp chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật.
Bố trí đủ cán bộ, công chức có kinh nghiệm, chuyên môn về kiểm soát TTHC để làm công tác thẩm định quy định TTHC; Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng (kỹ năng soạn thảo, đánh giá tác động chính sách, đánh giá tác động TTHC, thẩm định quy định TTHC, kiểm soát TTHC…), kiến thức pháp luật theo lĩnh vực cho đội ngũ công chức thẩm định nói chung và công chức thẩm định quy định TTHC nói riêng.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng thẩm định quy định TTHC. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương: Tuân thủ hồ sơ thẩm định theo đúng quy định Luật Ban hành văn bản QPPL và Thông tư số 03/2022/TT-BTP; Cơ quan lập đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản QPPL chú trọng tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến thẩm định của cơ quan, đơn vị thẩm định và gửi Báo cáo tiếp thu, giải trình theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL.
Đối với cơ quan, đơn vị thẩm định: Các cơ quan, đơn vị thẩm định cương quyết không tiếp nhận hồ sơ gửi thẩm định nếu hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản QPPL và dự án, dự thảo văn bản QPPL có quy định về TTHC chưa có bản đánh giá TTHC theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 về kiểm soát TTHC (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2017) và Thông tư số 03/2022/TT-BTP.
Coi trọng giải pháp tổ chức các cuộc họp tham vấn quy định TTHC trước khi tổ chức thẩm định để nâng cao chất lượng ý kiến thẩm định về quy định TTHC hoặc tổ chức các cuộc họp tham vấn sau khi tổ chức thẩm định để làm rõ thêm các vấn đề phức tạp, còn có ý kiến khác nhau.
Nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc họp của Hội đồng thẩm định và Hội đồng tư vấn thẩm định. Đăng tải công khai các báo cáo thẩm định trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thẩm định.
Các cơ quan, đơn vị thẩm định cần phải phối hợp, theo dõi, bám sát việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định nói chung và ý kiến thẩm định quy định TTHC nói riêng.
 
Năm 2022, Bộ Nội vụ đã phê duyệt Bộ tiêu chí đánh giá PAR mới và thay đổi lớn về nội dung, phương pháp đo lường SIPAS cho phù hợp với thực tiễn và góp phần thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Chỉ số CCHC mới được ban hành bao gồm 2 bộ tiêu chí đánh giá cho cấp bộ và cấp tỉnh. Trong đó, Chỉ số CCHC cấp bộ được sử dụng đánh giá, xếp hạng 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 2 cơ quan đặc thù (Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc), bao gồm 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong số đó, có 31,50 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học. Kết quả chỉ số CCHC năm 2022 các bộ, cơ quan ngang bộ cho thấy Bộ Tư pháp là 1 trong hai đơn vị đạt chỉ số CCHC trên 90%. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đứng thứ nhất đối với các chỉ số thành phần về cải cách thể chế và cải cách tổ chức bộ máy.