Chiều 28/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo về công tác tư pháp Quý III/2022 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp.
Tại cuộc họp báo, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, trong Quý III, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 07 Đề án do Bộ Tư pháp trình. Bộ Tư pháp có nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 04/04 theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành 55/55 nhiệm vụ được giao. Bộ Tư pháp cũng đã thực hiện quy trình kiểm thử và kết nối thành công thêm 10 dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công của Bộ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 50 dịch vụ công.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp
Công tác thẩm định được Bộ Tư pháp thực hiện bảo đảm đúng quy định của Luật ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), chất lượng thẩm định ngày càng được nâng cao, đồng thời bảo đảm thời hạn thẩm định theo quy định, bảo đảm tiến độ soạn thảo, trình VBQPPL của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính thực hiện quyết liệt, phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương, theo đó toàn Hệ thống THADS đạt nhiều kết quả tích cực cụ thể. Kết quả THADS năm 2022 (01/10/2021-30/9/2022): Thi hành xong là 539.290 việc, tăng 44.785 việc , đạt tỉ lệ 82,50% (tăng 6,67% so với cùng kỳ năm 2021) với tổng số tiền thi hành xong trên 75 nghìn tỷ đồng đạt tỉ lệ 45,42% (tăng 14,21% so với cùng kỳ năm 2021).
Trong Quý III/2022, Bộ Tư pháp đã tích cực triển khai các hoạt động thực hiện Kế hoạch hưởng ứng 10 năm Ngày pháp luật của Bộ Tư pháp, nhất là công tác chuẩn bị tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam và nhiều hoạt động khác.
Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; đã trả lời tra cứu quốc tịch Việt Nam đối với 437 trường hợp làm cơ sở cho việc cấp Giấy xác nhận quốc tịch Việt Nam; giải quyết 51 trường hợp con nuôi nước ngoài; tiếp nhận 98.535 bản LLTP điện tử; phối hợp với các Sở Tư pháp thực hiện tra cứu, xác minh thông tin cấp 251.979 Phiếu LLTP; giải quyết 268.234 Phiếu đăng ký/ thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên. Các hoạt động khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nhiều vấn đề dư luận quan tâm đã được giải đáp
Tại cuộc họp báo, đại diện các cơ quan báo chí đã đặt các câu hỏi về vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm như: Việc kết nối thông tin giữa Bộ Công an, Tư pháp trong triển khai thực hiện Đề án 06; Những khó khăn và giải pháp trong thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; Các thông tin liên quan đến sửa Luật Đấu giá Tài sản; công tác chuẩn bị Đại hội Công chứng viên toàn quốc lần thứ 2…
Đồng chí Tạ Thành Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ thông tin
Trả lời câu hỏi về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, Bộ Tư pháp trong triển khai thực hiện Đề án 06, đồng chí Tạ Thành Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ thông tin cho biết, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (CSDLHTĐT) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) là các cơ sở dữ liệu được xây dựng tập trung tại Trung ương, việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa CSDLHTĐT và CSDLQGVDC được thực hiện theo quy định của Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, Nghị định số 47/2020/NĐ-CP và Điều 10 Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Các dữ liệu khai sinh và cấp số định danh đã thực hiện kết nối, chia sẻ liên tục hiệu quả. Thực hiện Đề án 06, chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng, phối hợp với Bộ Công an tổ chức các cuộc họp để trao đổi, thống nhất Quy trình rà soát, đối chiếu dữ liệu giữa CSDLHTĐT và CSDLQGVDC bảo đảm đúng quy định pháp luật. Đồng thời, để khai thác dữ liệu công dân từ CSDLQGVDC, 02 Bộ đã hoàn thành thử nghiệm dịch vụ khai thác thông tin công dân trong CSDLQGVDC trên cơ sở số định danh cá nhân/CCCD/Số CMND của công dân; trao đổi, nghiên cứu thử nghiệm dịch vụ đồng bộ thông tin giữa 02 cơ sở dữ liệu; dự kiến sẽ cập nhật các chức năng khai thác trên Hệ thống chính thức để kiểm thử và đưa vào khai thác, sử dụng trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp
Liên quan đến câu hỏi về hình thức đấu giá trực tuyến, đồng chí Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp cho biết, hình thức đấu giá trực tuyến đã được quy định trong Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và cho đến nay đã có 8 doanh nghiệp được phê duyệt phần mềm đấu giá trực tuyến. Trong đó có những doanh nghiệp (tính đến 31/12/2021) đã tổ chức đấu giá trực tuyến và giá trị của các cuộc đấu giá trực tuyến lên tới 2 ngàn tỷ.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc hình thức đấu giá trực tuyến có giải quyết được những bất cập hiện nay trong việc “thông đồng, dìm giá, xã hội đen phá hoại các cuộc đấu giá” hay không? Đồng chí Nguyễn Thị Mai khẳng định rằng, nếu nền tảng về công nghệ thông tin tốt và nhân sự của các tổ chức đấu giá tốt thì có thể hạn chế được cơ bản tiêu cực trong đấu giá tài sản. Vì theo đồng chí, vì đấu giá trực tuyến không tiếp xúc trực tiếp giữa những người tham gia đấu giá với nhau và mỗi người tham gia đấu giá được mở 1 tài khoản tại tổ chức đấu giá, được phát 1 mã định danh và trả giá qua phần mềm trên mã định danh được cấp đó. Do đó, hình thức này sẽ hạn chế được bất cập nêu trên. Cũng theo đồng chí, trong bối cảnh của khoa học công nghệ và chuyển đổi số hiện nay, Luật cũng sẽ có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn và khuyến khích hơn đối với đấu giá trực tuyến.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực
Về công tác chuẩn bị cho tổ chức Đại hội công chứng viên Việt Nam lần thứ hai, đồng chí Nguyễn Thị Mai cho biết, tháng 01/2022 là hết nhiệm kỳ Đại hội công chứng viên Việt Nam lần thứ nhất và do trong bối cảnh đại dịch Covid nên các hội công chứng địa phương không kịp tổ chức Đại hội của hội, do đó, Đại hội của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam bị chậm trễ. Tuy nhiên, ngay trong năm 2021, Bộ Tư pháp đã có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao để xây dựng hoàn thiện các đề án nhân sự, sửa đổi hoàn thiện Điều lệ hội, xây dựng các văn kiện của Đại hội… Cho tới nay, các công tác chuẩn bị đại hội năm 2022 đã cơ bản hoàn thành và dự kiến Đại hội sẽ được tổ chức vào Quý IV năm 2022.
Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các công hỏi khác tại buổi họp báo cũng đã được đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ trả lời thỏa đáng.
An Như – Trung tâm Thông tin