Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc tại Quảng Trị: “Tư pháp phải thể hiện năng lực để nâng cao vị thế tại địa phương”

04/12/2009
Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc tại Quảng Trị: “Tư pháp phải thể hiện năng lực để nâng cao vị thế tại địa phương”
Hôm qua (ngày 03/12), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị.Trước những khó khăn và kiến nghị của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, những vấn đề mà Tư pháp Quảng Trị đang gặp phải hoàn toàn có thể giải quyết nếu Tư pháp biết chứng tỏ năng lực và tầm quan trọng của mình.

Lo lãnh đạo nhiều  hơn cán bộ

Ông Võ Công Hoan, Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Trị cho biết, Sở hiện có 20 biên chế, trong đó đã bao gồm 1 Giám đốc, 2 Phó Giám đốc, 1 biên chế phó giám đốc, số còn lại 16 biên chế chia đều cho 6 phòng, ban nên dẫn đến tình trạng “neo” người ở tất cả các lĩnh vực công tác. Sở đề nghị Bộ trưởng ý kiến với lãnh đạo tỉnh bổ sung biên chế để đáp ứng yêu cầu công việc trong thời kỳ tới. Giải đáp ngay kiến nghị này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Bộ đồng tình với đề nghị tăng cường nhân lực cho Sở Tư pháp, nhưng biên chế không ở đâu khác mà chính là ở HĐND tỉnh, UBND tỉnh quyết định. Bởi vậy, thay vì chỉ kiến nghị, Sở hãy hành động, tập trung nguồn nhân lực đang có làm những việc “ra tấm, ra món” để khẳng định vị thế của mình tại địa phương, sao cho tỉnh thấy “không thể thiếu “ông” Tư pháp”. Giải pháp thứ hai được Bộ trưởng nhắc tới là việc điều động cán bộ trẻ của Bộ về Quảng Trị cùng Sở Tư pháp gánh vác công việc. Hai phương án này đều nhận được sự đồng tình của lãnh đạo và cán bộ, công chức Sở Tư pháp.

Không thể lơ là khâu kiểm tra văn bản

Ấn tượng với kết quả 43 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ở cấp huyện có vi phạm đã bị Sở Tư pháp kiến nghị xử lý, Bộ trưởng Hà Hùng Cường yêu cầu Sở Tư pháp Quảng Trị phải đặc biệt quan tâm tới công tác này, vì đây chính là một trong những thế mạnh của ngành Tư pháp. Bộ trưởng nhấn mạnh:“Nhiều văn bản có vấn đề mình phát hiện ra mà các Bộ, ngành, địa phương đều thấy đúng chứng tỏ đó là việc làm rất cần thiết. Những văn bản đó nếu không sớm bị “tuýt còi” sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, lợi ích của công dân, tới việc ban hành hay không ban hành, đúng luật hay không đúng luật”.

Điều khiến Bộ trưởng Hà Hùng Cường băn khoăn chính là việc Sở Tư pháp Quảng Trị không có Phòng Bổ trợ tư pháp, trong khi Sở cho biết rất lúng túng trong khâu quản lý luật sư, công chứng, giám định tư pháp… Ông Võ Công Hoan tiết lộ: “Luật sư ở Quảng Trị không sống được bằng nghề nên nghề này không những không phát triển mà còn khó quản lý. Thống kê 3 năm qua thì chỉ có 6 vụ luật sư kiếm được tiền, còn lại chủ yếu là do Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh mời”. Cũng theo Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Trị, cả tỉnh hiện mới chỉ có 1 Phòng công chứng đặt tại thành phố Đông Hà, hiện Sở đang đề nghị Tỉnh cho thành lập thêm 1 phòng công chứng nữa nhưng đề nghị này cũng đang trong quá trình xem xét. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng thực tế này chứng tỏ sự túng túng của Sở Tư pháp trong công tác quản lý công chứng: “Tỉnh đã ban hành Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng, tại sao trên địa bàn thành phố Đông Hà không có 1 vài Văn phòng công chứng để phục vụ nhu cầu của người dân là vấn đề mà Sở phải suy nghĩ”. Bộ trưởng gợi ý, Sở nên tham mưu cho lãnh đạo tỉnh thành lập Phòng Bổ trợ tư pháp vì Phòng này có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động quản lý luật sư, công chứng, giám định tư pháp và tới đây là lý lịch tư pháp, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Về nội dung đề nghị Bộ hướng dẫn đối với việc xin nhập Quốc tịch của người Lào cư trú trên địa bàn các huyện Hướng Hóa, Đắc Krông từ năm 1978 đến nay, Bộ trưởng Hà Hùng Cường yêu cầu Sở phối hợp với các Sở, ngành chức năng khác nhanh chóng thống kê cụ thể, trường hợp nào đáp ứng các yêu cầu của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì đề nghị làm thủ tục nhập quốc tịch theo quy định. Lãnh đạo Bộ cũng hứa sẽ xem xét các đề nghị của Sở về kinh phí tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ tư pháp địa phương.

Hồng Thúy