Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Dự án “ Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền” sẽ góp phần tạo ra một khuôn khổ hợp tác mới, mở ra một thời kỳ mới trong sự hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam với UNDP và cộng đồng quốc tế

27/11/2009
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Dự án “ Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền” sẽ góp phần tạo ra một khuôn khổ hợp tác mới, mở ra một thời kỳ mới trong sự hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam với UNDP và cộng đồng quốc tế
Chiều nay, 27 tháng 11 năm 2009, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã tham dự và phát biểu khai mạc Lễ khởi động Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” đồng thời chứng kiến Lễ ký kết Kế hoạch công tác Năm 2010 của Dự án. Đây là một trong những sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong sự hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế nói chung và Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) nói riêng.

Thay mặt Bộ Tư pháp Việt Nam, Bộ trưởng Hà Hùng Cường chào mừng sự có mặt của tất cả các vị khách quốc tế và Việt Nam tại  Lễ Khởi động Dự án, đồng thời cám ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà cộng đồng quốc tế đã dành cho Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.  

Trong Bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường chia sẻ với các đại biểu tham dự Lễ Khởi động  bước phát triển rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hơn 10 năm qua, đó là việc Đảng và Nhà nước Việt Nam lần đầu tiên đã ban hành và tổ chức thực hiện hai bản chiến lược đầu tiên trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp - Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48) và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49). Bộ trưởng đánh giá cao việc hai bản chiến lược này, cùng với Chương trình tổng thể cải cách hành chính 2001-2010 đã xác định những phương hướng dài hạn, ngắn hạn và các giải pháp khá toàn diện, nhằm từng bước tạo khuôn khổ chính sách, thể chế thúc đẩy công cuộc cải cách đồng bộ hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp theo nguyên tắc pháp quyền. Bộ trưởng cho rằng, mặc dù chưa có những đánh giá, tổng kết toàn diện, đầy đủ việc thực hiện các chiến lược này, nhưng thực tiễn cho phép bước đầu khẳng định rằng, hệ thống pháp luật đã và đang được xây dựng và hoàn thiện theo hướng đơn giản hơn về hình thức, dân chủ, công khai hơn về quy trình soạn thảo, đồng bộ hơn, có tính khả thi và minh bạch hơn về nội dung; tổ chức, năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam cũng dần được nâng cao theo hướng đáp ứng tốt hơn yêu cầu tăng cường pháp chế, xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người, đẩy mạnh và mở rộng hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới. 

Đề cao vai trò ngày càng quan trọng của Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật vì sự phát triển chung của đất nước, Bộ trưởng nhấn mạnh sự thay đổi trong chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Bộ và Ngành Tư pháp theo hướng được củng cố, tăng cường về lượng và chuyển biến về chất với sự ra đời của Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Đó là việc chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp đã được “khép kín” trong một chu trình quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành văn bản, từ việc tham mưu lập chương trình xây dựng pháp luật củaQuốc hội các khoá 5 năm, 10 năm, thẩm định, kiểm tra đến quản lý, theo dõi và đôn đốc thực hiện; là việc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp vốn là những điều kiện quan trọng để phát huy và đảm bảo quyền của công dân đã và đang được tiếp tục chuẩn hóa; là việc các cơ quan thi hành án dân sự được xây dựng thành một hệ thống cơ quan tư pháp độc lập từ Trung ương đến địa phương nhằm bảo đảm thi hành kịp thời và có hiệu quả và khách quan hơn các bản án, quyết định dân sự của Tòa án; đội ngũ cán bộ tư pháp từ trung ương đến địa phương đang được củng cố, kiện toàn mạnh mẽ ở tất cả các cấp, các ngành. Bộ trưởng cho rằng sự chuyển biến về vai trò, vị trí của Bộ và Ngành Tư pháp gắn liền với quá trình phát triển nhận thức và đổi mới tư duy về pháp luật của Việt Nam nói chung và sự trưởng thành tự nhiên của Bộ và Ngành Tư pháp nói riêng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Bên cạnh việc khích lệ những việc đã và đang được thực hiện, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, để đáp ứng, hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ được giao, những thách thức, khó khăn đặt ra cho Bộ và Ngành Tư pháp ở phía trước còn nhiều. “Điều đó đòi hỏi nhiều nỗ lực vươn lên, tự đổi mới mình một cách quyết liệt hơn của Bộ và Ngành Tư pháp trong thời gian tới” - Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Những bước đi và kết quả ban đầu mà Việt Nam đạt được trên con đường cải cách pháp luât, hành chính, tư pháp trong hơn thập kỷ qua được Bộ trưởng Hà Hùng Cường gắn kết và liên hệ với sự hỗ trợ có hiệu quả của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc và cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế thông qua các chương trình hợp tác với Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và nhiều cơ quan pháp luật và tư pháp khác của Việt Nam. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh các mục tiêu và kết quả quan trọng mà Dự án VIE/02/015 “Hỗ trợ thực thi Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật đến năm 2010” đã đạt được trong việc hỗ trợ xây dựng và thực thi Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam với sự đồng tài trợ của UNDP, Chính phủ Thụy Điển, Đan Mạch, Na-Uy và Ai-Len. Thành công của Dự án này và kết quả đã đạt được từ các Dự án hợp tác giữa Bộ Tư pháp và các cơ quan pháp luật/tư pháp của Việt Nam với UNDP trong gần 20  năm qua đã được Chính phủ Việt Nam và UNDP tiếp nối và kế thừa trong Dự án hợp tác mới với tên gọi "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam". Dự án này được Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và UNDP tại Hà Nội xây dựng, căn cứ nhu cầu dài hạn và trước mắt của công cuộc cải cách pháp luật và cải cách tư pháp của Việt Nam cũng như nhiệm vụ và vai trò của Liên hợp quốc và UNDP về hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp đã được thể hiện trong Bản Kế hoạch chung thực hiện Một Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Nhấn mạnh 5 nội dung tương ứng với 5 hợp phần chính của Dự án “Tiếp cận công lý và bảo vệ quyền” cùng những mục tiêu, kết quả đã được thống nhất cao giữa Chính phủ Việt Nam và UNDP, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng rằng chương trình hợp tác mới này “sẽ góp phần tạo ra một khuôn khổ hợp tác mới, mở ra một thời kỳ mới trong sự hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế cũng như với UNDP”. Bộ trưởng nói: “Việc triển khai Dự án này cùng với những dự án đã được ký kết với các đối tác truyền thống khác sẽ là những hoạt động góp phần thực hiện các mục tiêu đã và sẽ được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Kế hoạch chung thực hiện Sáng kiến Một Liên Hợp quốc và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”. Bộ trưởng cũng hy vọng rằng:  “Dự án sẽ tạo cơ hội cho các hoạt động đối thoại và trao đổi cởi mở thường xuyên hơn giữa các đối tác Việt Nam và các nhà tài trợ, góp phần hỗ trợ việc tiếp tục hoạch định chính sách phát triển của Chính phủ Việt Nam cũng như cung cấp thêm thông tin về những cơ hội, kinh nghiệm kinh doanh và đầu tư ngày một mở rộng ở Việt Nam cho cộng đồng doanh nghiệp quốc tế”.

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng một lần nữa bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao sự giúp đỡ quý báu và hiệu quả của các đối tác quốc tế, đặc biệt là UNDP trong việc hỗ trợ thực thi các Chiến lược cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam. Bộ trưởng hy vọng Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền” sẽ góp phần tạo nguồn lực tổng hợp để phát huy nội lực và sự hỗ trợ quốc tế, nhằm đẩy mạnh toàn diện cải cách pháp luật và tư pháp tại Việt Nam, góp phần để Việt Nam phát triển một cách mạnh mẽ và vững chắc trong thời gian tới./. 

                                  Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

_______________________________________

 

Bài có liên quan