Thẩm định dự án Luật Phòng thủ dân sự: Chú trọng rà soát VBQPPL để đảm bảo tính thống nhất

07/07/2022
Thẩm định dự án Luật Phòng thủ dân sự: Chú trọng rà soát VBQPPL để đảm bảo tính thống nhất
Ngày 07/07/2022, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Chủ tịch Hội đồng đã chủ trì phiên thẩm định dự án Luật Phòng thủ dân sự. Cùng dự có đại diện Bộ Quốc phòng, cơ quan được giao giúp Chính phủ chủ trì xây dựng dự án Luật và các thành viên của Hội đồng là đại diện các Bộ, ngành liên quan.
Trong những năm qua, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu ứng phó, khắc phục khi có thảm họa, sự cố xảy ra. Bên cạnh việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, nội dung của phòng thủ dân sự được quy định tại Điều 13 Luật Quốc phòng còn bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh và bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Việc giảm nhẹ, khắc phục thảm họa do chiến tranh gây ra và bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân là những vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân và tình hình anh ninh, chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, cần được quy định tại văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là luật nhưng hiện nay mới chỉ được quy định tại Nghị định số 02/2019/NĐ-CP nên chưa bảo đảm yêu cầu.
 

Bộ Quốc Phòng - cơ quan được giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật
 
Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố nhằm bảo vệ cao nhất tài sản, sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Trong bối cảnh hệ thống pháp luật hiện hành đã có quy định về phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố ở một số lĩnh vực, dự án Luật Phòng thủ dân sự không thay thế các Luật hiện hành mà sẽ bổ khuyết vào những khoảng trống pháp luật. Theo đó, Luật sẽ quy định cụ thể về các biện pháp giảm nhẹ, khắc phục thảm họa do chiến tranh gây ra và bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân; các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố. Từ đó, tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống thảm họa do thiên tai, dịch bệnh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; bảo vệ cho người dân, cơ quan, tổ chức, kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường…; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự. Nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh hoặc sự cố, thảm họa gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Theo đại diện Bộ Quốc phòng, quy định tại Điều 10 dự thảo Luật thì việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm hoạ, sự cố, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm hoạ, sự cố được thực hiện theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan. Trường hợp luật khác có quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố mà không trái với quy định tại Điều 3 của Luật này thì được thực hiện theo quy định của luật đó. Trường hợp luật khác không có quy định thì áp dụng quy định của Luật này. Như vậy, dự án Luật Phòng thủ dân sự sẽ không thay thế các Luật hiện hành mà sẽ bổ khuyết vào những khoảng trống pháp luật. Trường hợp pháp luật đã có quy định về phòng, chống, khắc phục các loại thảm hoạ, sự cố cụ thể (như Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Phòng cháy chữa cháy…) thì áp dụng quy định của pháp luật đó. Trường hợp pháp luật không có quy định cụ thể thì áp dụng các nguyên tắc, biện pháp được quy định tại Luật Phòng thủ dân sự.
 

Toàn cảnh phiên họp thẩm định 
 
Với nguyên tắc áp dụng pháp luật như trên, các quy định của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự không chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời, trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Quốc phòng đã tiến hành rà soát các văn bản pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.
Về thủ tục hành chính  (TTHC) đưa ra trong nội dung dự án Luật Phòng thủ dân sự gồm có: Thủ tục Đăng ký tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế; Thủ tục Thẩm định, phê duyệt các dự án, thiết kế và nghiệm thu công trình xây dựng về phòng thủ dân sự; kiểm định và chứng nhận các điều kiện an toàn về phương tiện và an toàn phòng thủ dân sự. Theo đánh giá, về cơ bản chỉ cấu thành tên TTHC, chưa hình thành đầy đủ nội dung TTHC (chưa bao gồm trình tự thực hiện, cách thức thực hiện, thành phần hồ sơ, mẫu đơn, mẫu tờ khai, thời hạn giải quyết, phí, lệ phí) và dự kiến giao văn bản hướng dẫn Luật sẽ quy định hướng dẫn chi tiết.
Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ cũng đã nghiên cứu, rà soát các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt, đã nghiên cứu quy định tại Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và các Công ước khác về quyền con người mà Việt nam tham gia để phù hợp với quy định việc quyền không bị giới hạn và những quyền có thể bị giới hạn trong tình trạng khẩn cấp, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế nêu trên.
Các thành viên Hội đồng thẩm định đã tập trung thảo luận, xem xét cho ý kiến về sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh, chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đã được thông qua; Tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;  Sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản, nếu trong dự thảo văn bản có quy định thủ tục hành chính; Điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật; Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản, nếu trong dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới... Bên cạnh đó, thành viên Hội đồng cũng cho ý kiến đánh giá về 06 chính sách và một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật.
 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh - Chủ tịch Hội đồng thẩm định
 
Trên cơ sở ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định tại phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật. Trên cơ sở các ý kiến của thành viên Hội đồng, Thứ trưởng cơ bản nhất trí với các nội dung được thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại 06 chính sách được nêu trong Tờ trình, bổ sung làm rõ hơn một số chính sách. Về nội dung dự thảo, Thứ trưởng lưu ý, đối với những khái niệm đã được quy định, thừa nhận trong văn bản khác thì không cần nhắc lại hoặc dẫn chiếu lại trong dự thảo Luật. 
Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì cần tiếp tục rà soát kỹ 83 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất của dự thảo Luật trong hệ thống pháp luật, không quy định lại các nội dung đã quy định trong luật khác để tránh trùng dẫm, chồng chéo. Đối với quy định chuyển tiếp, cần phải chi tiết, cụ thể hơn để áp dụng thuận tiện, dễ dàng. 
 
Nội dung dự thảo Luật Phòng thủ dân sự tập trung vào 06 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28/02/2022 Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 02 năm 2022, bao gồm: Chính sách 1: Đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố trong hoạt động phòng thủ dân sự; Chính sách 2: Phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố; Chính sách 3: Quy định các biện pháp bảo vệ người dân trước thảm họa, sự cố và hỗ trợ người dân bị thiệt hại; Chính sách 4: Đổi mới tổ chức của Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; Chính sách 5: Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; Chính sách 6: Quy định về hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp.
  An Như - Trung tâm Thông tin thực hiện