Chiều 27/4, Bộ Tư pháp đã họp báo Quý I/2022 dưới sự chủ trì của Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn.
Tại cuộc họp báo, đại diện một số cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi về việc đấu giá biển số ô tô mà Bộ Công an đang dự thảo. Vấn đề này bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp cho biết, trong dự thảo Nghị quyết Bộ Công an xây dựng trình Quốc hội thì một trong những vấn đề là quyền của người đấu giá đến đâu, vấn đề này đang còn bàn.
Hiện nay, theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công biển số là tài sản đặc biệt, công cụ quản lý ATGT đường bộ. Nếu coi biển số xe là tài sản công, việc "bán" đấu giá sẽ theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu giá. Tuy nhiên, nếu cho chuyển nhượng biển số sẽ "gặp nhiều vướng mắc" bởi Luật Giao thông đường bộ cấm mua, bán chuyển nhượng biển số xe. Do đó, vấn đề này hiện còn đang được nghiên cứu.
Trả lời về việc phong tỏa tài sản đối với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong hai vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm vừa qua, ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết thực tế thi hành án dân sự vừa qua đã cho thấy nhiều vụ việc bản án tuyên phải thu hồi giá trị tài sản rất lớn nhưng khi xác minh tài sản chỉ có giá trị thi hành rất nhỏ dẫn đến tỷ lệ thu hồi được rất ít. Do đó, cần thiết phải có biện pháp ngăn chặn chuyển dịch tài sản ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử rất cần thiết .
Chỉ thị 04/CT-TW của Ban Bí thư cũng xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.
“Qua báo chí chúng ta cũng biết cơ quan tố tụng đã áp dụng biện pháp tạm giữ, phong tỏa tài sản của những chủ thể liên quan ở các địa phương. Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án sẽ tiếp tục theo dõi để kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng để đảm bảo việc thi hành án về sau này”, ông Thắng Lợi nói.
Tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, Quý I/2022, công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục được đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kịp thời giải quyết các vấn đề để phù hợp với chủ trương phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực; Bộ đã hoàn thành 07/07 nhiệm vụ có thời hạn thực hiện trong quý I/2022 theo Kế hoạch CCHC năm 2022. Bộ đã thực hiện xong 13 nhiệm vụChính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành; đã trả lời 23 kiến nghị cử tri gửi đến sau Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV (hoàn thành 100%) và nhiều kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Công tác thẩm định được Bộ Tư pháp thực hiện bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Chất lượng công tác thẩm định VBQPPL ngày càng được nâng cao. Nội dung thẩm định ngày càng bao quát, thực chất hơn; chú trọng thẩm định tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tính minh bạch, khả thi của các quy định trong dự án, dự thảo VBQPPL.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính được thực hiện quyết liệt, phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương, theo đó, toàn Hệ thống THADS đạt nhiều kết quả tích cực, cụ thể: 06 tháng năm 2022 (tính từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 31/3/2022): Đã thi hành xong hơn 200.000 việc, đạt tỉ lệ hơn 49,00% với hơn 35.000 tỷ đồng.
Các cơ quan THADS đã thực hiện thủ tục theo dõi đối với 262/262 bản án đã có quyết định buộc thi hành án của Tòa án. Các cơ quan hành chính đã thi hành xong 94 việc.
Bộ Tư pháp đã thực hiện quy trình kiểm thử và kết nối thành công thêm 03 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc lĩnh vực lý lịch tư pháp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong Quý, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) đã thụ lý và cấp hơn 11.000 phiếu LLTP, bảo đảm đúng và sớm thời hạn; đã phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ -V06, Công an cấp tỉnh hỗ trợ các Sở Tư pháp tra cứu, xác minh thông tin LLTP về án tích cho hơn 175.000 hồ sơ.
Các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã giải quyết hơn 315.000 Phiếu đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên; Phiếu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự và Phiếu yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông.
Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp như đấu giá tài sản, giám định tư pháp, thừa phát lại… để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp nhằm khắc phục, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp.