Ngày 27/3, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã long trọng tổ chức buổi lễ kỉ niệm 40 năm ngày thành lập. Đến dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; về phía TP.HCM có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi cùng nhiều lãnh đạo TP, lãnh đạo các sở ban ngành, lãnh đạo Sở Tư pháp cùng nhiều thế hệ cán bộ tư pháp.
40 năm nỗ lực không ngừng nghỉ
Trong bài diễn văn ôn lại truyền thống 40 năm hình thành và phát triển của Sở Tư pháp TP.HCM, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở đã chia sẻ những bước đường mà ngành tư pháp TP đã trải qua trong suốt 40 năm qua.
Từ buổi đầu thành lập với vỏn vẹn 6 phòng chuyên môn và một đơn vị trực thuộc, tổng số cán bộ là 45 biên chế, đến nay cơ cấu tổ chức bộ máy và nhân sự đã không ngừng lớn mạnh về quy mô, số lượng và chất lượng. Hiện Sở Tư pháp có 10 phòng chuyên môn và 10 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với 354 công chức, viên chức, người lao động có trình độ chuyên môn phù hợp với 100 % cán bộ nghiệp vụ có trình độ cử nhân Luật, nhiều Tiến sĩ, Thạc sỹ Luật và cả Thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM đọc diễn văn ôn lại truyền thống 40 năm hình thành và phát triển của Sở Tư pháp TP. Ảnh: Cẩm Tú
Sở Tư pháp TP.HCM là đơn vị tiên phong trong ngành với các thí điểm mô hình mới và đạt thành công rực rỡ. TP.HCM là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập phòng công chứng nhà nước vào năm 1988, thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại, tiến hành thí điểm nhập quốc tịch Việt Nam cho người không quốc tịch và là địa phương giải quyết số lượng lớn nhất người không quốc tịch được nhập quốc tịch Việt Nam với 1.280 trường hợp.
Với những cố gắng vượt bậc, liên tục nhiều năm liền Sở Tư pháp Thành phố đã trở thành đơn vị lá cờ đầu của ngành Tư pháp Việt Nam, nhận được nhiều hình thức khen thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhất.
Không ngừng tự đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Phát biểu tại Lễ kỉ niệm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đã nhiệt liệt chúc mừng Ban Giám đốc Sở Tư pháp, các cán bộ, người lao động ngành Tư pháp. Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo của các thế hệ cán bộ Tư pháp thành phố từ những ngày đầu thành lập cho đến sự phát triển vượt bậc như hiện nay. “Sở Tư pháp TP.HCM đã luôn không ngừng tự đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những đề xuất, giải pháp chuyên môn mới kết hợp với việc nghiên cứu, kế thừa, phát huy những kinh nghiệm, cách làm còn phù hợp”.
Thứ trưởng đã điểm qua nhiều thành tựu của Sở Tư pháp TP.HCM như đầu tư nghiên cứu, xây dựng, vận hành có hiệu quả nhiều chương trình phần mềm quản lý trên các lĩnh vực hộ tịch, công chứng, lý lịch tư pháp, là cơ sở thực tiễn quan trọng để Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng, vận hành các phần mềm quản lý áp dụng trên toàn quốc. Thứ trưởng kỳ vọng Sở Tư pháp TP tiếp tục hoàn thành tốt những nhiệm vụ, công việc được Chính phủ, UBND TP.HCM giao phó, tiếp tục giữ vững vai trò cơ quan tư vấn pháp lý, tham mưu cho chính quyền thành phố trong công tác cải cách thể chế, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM ghi nhận, đánh giá cao vai trò và những nỗ lực đóng góp của Sở Tư pháp
Về phía lãnh đạo TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM đã bày tỏ sự ghi nhận, đánh giá cao vai trò và những nỗ lực đóng góp của Sở Tư pháp TP.HCM. Sở Tư pháp TP đã trở thành cơ quan tham mưu tin cậy của Thành ủy, HĐND, UBND TP trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện thể chế; trong quản lý, điều hành theo pháp luật các hoạt động kinh tế xã hội của thành phố và trong công tác quản lý nhà nước các hoạt động thuộc lĩnh vực tư pháp trên địa bàn.
Ngọc Mai
baophapluat.vn