Xác định vấn đề ưu tiên để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức THPL

21/03/2022
Xác định vấn đề ưu tiên để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức THPL
Thực hiện Kế hoạch của Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật (THPL) tại Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 do JICA Nhật Bản tài trợ, cơ quan chủ quản là Bộ Tư pháp, cơ quan tham gia gồm Ban Nội chính TW, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Liên đoàn Luật sư Việt Nam; vào ngày 18/3, tại Ninh Bình, Bộ Tư pháp đã phối hợp với JICA tổ chức Hội nghị xác định các vấn đề ưu tiên cần giải quyết trong giai đoạn II của Dự án.
Chủ trì Hội nghị, về phía Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh; về phía Nhật Bản là Giáo sư Morishima Akio – Giáo sư danh dự Đại học Nagoya (Nhật Bản), trưởng Nhóm tư vấn của JICA trong lĩnh vực pháp luật. Tham gia Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp và các cơ quan đối tác tham gia Dự án. Đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Ninh Bình cũng tham dự và phát biểu chào mừng. Về phía Nhật Bản có Cố vấn trưởng Dự án và các chuyên gia dài hạn; cán bộ JICA Trụ sở chính (trực tuyến); đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam (trực tuyến).
Tại Hội nghị khởi động Dự án được tổ chức vào tháng 4/2021, hai Bên Nhật Bản và Việt Nam đã có nhiều trao đổi mang tính gợi mở cho việc thực hiện Dự án trong giai đoạn 05 năm từ 2021 đến 2025. Trong một năm qua, dưới tác động của đại dịch Covid 19 trên bình diện toàn cầu, việc triển khai các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản nói chung và hợp tác giữa các cơ quan tư pháp và pháp luật của hai nước nói riêng đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều hoạt động hợp tác giữa hai Bên không được triển khai, hoặc triển khai nhưng phần nào chưa đáp ứng được kỳ vọng của cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn và trở ngại khách quan, với sự tham gia chủ động, tích cực của các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan pháp luật/tư pháp Việt Nam - Nhật Bản, hai Bên đã cơ bản hoàn thành giai đoạn I của Dự án với nhiều kết quả đáng khích lệ như: (i) đại diện lãnh đạo các cơ quan đối tác của Dự án đã ký và thông qua Bộ Quy tắc và hướng dẫn thực hiện Dự án (Guidelines) tại Phiên họp Uỷ ban điều phối chung Dự án-JCC lần thứ nhất vào ngày 30/9/2021; (ii) hoàn thành 100% Kế hoạch hoạt động năm 2021 của Dự án (hoạt động cuối cùng của năm 2021 vừa được triển khai vào ngày 17/3, đáp ứng yêu cầu về tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch là hoàn thành trước 30/3/2022 như cam kết của hai Bên tại JCC lần thứ nhất).
Để tiếp nối những kết quả tốt đẹp mà hai Bên đã cùng phối hợp triển khai trong giai đoạn I vừa qua, Hội nghị triển khai giai đoạn II của Dự án có thể được coi là giai đoạn quan trọng mang tính quyết định của Dự án. Trong thời gian tới đây, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật ở Việt Nam tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá chiến lược để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước với những định hướng và mục tiêu đã được nêu tại các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa qua.
Tại Hội nghị, hai Bên đã cùng nhau thảo luận về những đề xuất định hướng các vấn đề ưu tiên làm cơ sở để thành lập các Nhóm công tác tại các cơ quan đối tác. Các cơ quan đối tác của Dự án đã đưa ra những đề xuất dài hạn mang tính tổng thể, có sự gắn kết lẫn nhau và, bám sát các mục tiêu đã đề ra trong dự án, một mặt gắn liền với chức năng, thẩm quyền của cơ quan đối tác, mặt khác bám sát các chủ trương, định hướng cơ bản của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Bên cạnh việc đề xuất những định hướng ưu tiên, các cơ quan đối tác cũng thảo luận về việc thành lập các Nhóm công tác để triển khai các định hướng nói trên. Việc thành lập các Nhóm công tác phải tính đến các yếu tố ổn định, lâu dài và có tính kế thừa, nhằm đảm bảo hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của hai Chính phủ về việc tạo dựng và phát triển một đội ngũ cán bộ pháp luật và tư pháp Việt Nam có chuyên môn sâu, là hạt nhân nòng cốt trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
                      Vụ Hợp tác quốc tế