Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp trong tình hình mới

24/12/2021
Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp trong tình hình mới
Sáng ngày 24/12, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng (CNQP), động viên công nghiệp (ĐVCN). Tham dự Hội đồng thẩm định còn có đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo và các thành viên Hội đồng.
Báo cáo tại cuộc họp, Đại tá Phạm Thanh Khiết, Phó tham mưu trưởng Tổng cục CNQP cho biết, Pháp lệnh ĐVCN năm 2003 và Pháp lệnh CNQP năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung tại Pháp lệnh số 01/2018/UBTVQH14 năm 2018) là những văn bản pháp luật quan trọng điều chỉnh hoạt động xây dựng và phát triển CNQP, thực hiện ĐVCN; góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với CNQP, ĐVCN. Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai Pháp lệnh ĐVCN và hơn 12 năm thực hiện Pháp lệnh CNQP, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến CNQP, ĐVCN chưa được thể chế hóa; một số nội dung của các Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quốc phòng; nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do đó, việc xây dựng Luật CNQP, ĐVCN là hết sức cần thiết, xuất phát từ vấn đề thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục kịp thời khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi các pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp trong tình hình mới; tăng cường tiềm lực CNQP, khả năng ĐVCN rộng khắp để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Theo đó, mục đích xây dựng Luật nhằm tăng cường gắn kết và phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của CNQP, ĐVCN trong đảm bảo vũ khí, trang bị, khí tài (VKTBKT) cho LLVTND; tổ chức sắp xếp hệ thống cơ sở CNQP phù hợp đặc thù CNQP, ĐVCN và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, thích ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CNQP, ĐVCN.
Hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển CNQP, ĐVCN trước mắt và lâu dài, tập trung vào các nội dung: Nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển VKTBKT công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển CNQP; huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài LLVTND có tiềm lực về tài chính, KHCN tham gia đầu tư phát triển CNQP và thực hiện nhiệm vụ ĐVCN; tham gia sản xuất, sửa chữa VKTBKT cho LLVTND; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở ĐVCN; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế.
 

 
Tại Hội đồng, ý kiến của các thành viên đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp. Để hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền, các đại biểu đề nghị cơ quan lập đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các chính sách lớn, chỉnh lý một số nội dung về báo cáo đánh giá tác động chính sách đảm bảo cụ thể, chi tiết, đồng bộ, thống nhất với các Luật có liên quan và tính khả thi của văn bản sau khi ban hành.
Phát biểu tại Hội đồng, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao các ý kiến thảo luận, các ý kiến này sẽ giúp Bộ Tư pháp hoàn thành Báo cáo thẩm định và giúp Bộ Quốc phòng tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trong thời gian tới để đảm bảo chất lượng, tiến độ.