Đây là phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị ngành Tư pháp diễn ra sáng nay – ngày 21/12.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2021, với truyền thống đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ, đam mê cống hiến và tinh thần vượt khó, Bộ Tư pháp và toàn ngành Tư pháp nói chung đã nỗ lực vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo đó, Bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu những vấn đề vĩ mô kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, kết luận, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác pháp luật, tư pháp; nhận diện những tồn tại, hạn chế, vướng mắc của hệ thống pháp luật để đề xuất giải pháp, xử lý những phát sinh trước tác động của đại dịch COVID-19; trực tiếp quản lý, tổ chức thi hành những phần việc vi mô, như công chứng, đăng ký giao dịch, hộ tịch, trợ giúp pháp lý…
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều ý kiến sâu sắc, nhất là các đề xuất, kiến nghị trong xây dựng, thực thi pháp luật và công tác phối hợp giữa các bộ, ngành góp phần nâng cao chất lượng công tác tư pháp.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Đảng, Nhà nước, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của toàn ngành Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, cơ quan tư pháp địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh đó Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân của những thành tựu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2021 đất nước có nhiều sự kiện quan trọng, tổ chức rất thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kiện toàn các chức danh trong hệ thống chính trị, song đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều mặt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với Quốc hội, Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương đã quyết tâm, quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp, kể cả biện pháp hành chính để vừa phòng, chống đại dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài.
Theo Thủ tướng, hiện nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, chúng ta đã chuyển trạng thái sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu đề ra, xuất nhập khẩu thiết lập kỷ lục mới, vốn đầu tư nước ngoài tăng, thị trường lao động từng bước phục hồi; văn hóa, xã hội, môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được quan tâm, tăng cường; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc, hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng… Trong thành công chung này, có đóng góp tích cực của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp, đặc biệt là trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về lĩnh vực tư pháp, nhất là trong phòng, chống dịch; tập trung tháo gỡ về mặt thể chế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đảm bảo an ninh, quốc phòng, đối ngoại, văn hóa...; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam về chất lượng các quy định pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự báo, tình hình năm 2022 có những thời cơ, thuận lợi, song khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó Bộ, ngành Tư pháp cần có tâm thế, chuẩn bị tốt hơn để thực hiện các nhiệm vụ. Năm 2022 là năm bản lề để thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra; cũng như trước đòi hỏi về môi trường pháp lý ngày càng cao của nhân dân và từ thực tiễn để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; mọi người dân, doanh nghiệp phải sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ, ngành Tư pháp cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, vì đây là một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng xác định từ Đại hội lần thứ XI. Trong đó cần thấm nhuần phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong xây dựng và thực thi pháp luật.
Bám sát đường lối chủ trương của Đảng mà cụ thể là các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo và căn cứ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật; “vừa làm, vừa hoàn thiện, không cầu toàn, không nóng vội; trước mắt là tháo gỡ những nút thắt về thể chế”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của chính quyền các cấp, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, đi đôi với đổi mới sáng tạo để hoàn thiện, xây dựng, phổ biến, thực thi, giám sát pháp luật. Đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, coi đây là đầu tư cho phát triển. Trong đó đầu tư cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư cơ sơ vật chất; đầu tư tài chính; chế độ, chính sách cho người làm pháp luật ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ và cân đối với các ngành, nghề khác.
Bên cạnh đó, Bộ, ngành Tư pháp phải đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chủ động đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế. Thủ tướng nhấn mạnh phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết để xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương, Hội Luật gia, Hội Luật sư. Cùng với đó là lắng nghe ý kiến nhiều chiều, các ý kiến phản biện, ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tranh thủ trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, xuất phát từ thực tiễn, tất cả vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Thủ tướng ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Bộ ngành Tư pháp và các địa phương liên quan lĩnh vực tư pháp. Thủ tướng hoan nghênh và khuyến khích các ngành, địa phương tiếp tục mạnh dạn phản ánh, đề xuất tháo gỡ những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp tổng hợp lại và đề xuất các giải pháp tháo gỡ thể chế, tất cả mục tiêu vì dân giàu nước mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng với truyền thống vẻ vang, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp, công tác tư pháp sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ năm 2022 mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân giao phó, đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long chia sẻ niềm vui mừng được Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo Hội nghị ngành. Trong bài phát biểu, Thủ tướng đã ghi nhận những kết quả mà Bộ, ngành Tư pháp đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những bất cập, tồn tại để có các giải pháp khắc phục. Thủ tướng cũng gợi mở, định hướng nhiệm vụ cụ thể cho ngành Tư pháp tiếp tục tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng xin được tiếp thu đầy đủ và quán triệt sâu sắc trong toàn ngành các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự Hội nghị và sẽ triển khai thành các chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện. Đồng thời hứa tiếp tục nỗ lực phấn đấu quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2022 tốt hơn năm 2021. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ trưởng mong Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ kịp thời của các Ban, Bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương.
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
An Như – Trung tâm Thông tin