Phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

14/06/2021
Phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Chiều 14/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (Luật BHXH). Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, các thành viên Hội đồng cùng đại diện các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.
Theo Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), sự cần thiết xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH; Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập được chỉ ra từ tổng kết thực tiễn thi hành Luật BHXH.
Cụ thể, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH với mục tiêu: “Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch”.
Trên cơ sở kết quả đánh giá, tổng kết của Đề án cải cách chính sách BHXH đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thông qua tại Hội nghị lần thứ 7 và tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, Luật BHXH 2014 thay thế Luật BHXH số 71/2006/QH11 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đó là việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến những người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng và những người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề… do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện; Tăng thời gian nghỉ chế độ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng và quy định chế độ nghỉ thai sản đối với nam giới khi vợ sinh con; Chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; Điều chỉnh công thức tính lương hưu…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, quá trình thực tiễn thực hiện Luật BHXH đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật cũng như quy mô tham gia BHXH trên thực tế còn thấp; Chính sách BHXH thiếu sự chia sẻ theo nghĩa rộng; Quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn…
 

 
Cụ thể, chính sách BHXH hiện hành chưa hướng đến bao phủ toàn dân. Quy định về điều kiện hưởng lương hưu và nhận BHXH một lần còn bất cập. Hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ để thực sự đóng vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội nên diện bao phủ còn thấp, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và khu vực không có quan hệ lao động…
Tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH. Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28/NQ-TW là một thách thức rất lớn nếu không có những giải pháp căn bản về cả chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách…
Nhất trí việc đề xuất sửa đổi Luật BHXH trong bối cảnh hiện nay, các ý kiến tại phiên họp đánh giá cao việc chuẩn bị tốt dự thảo đề nghị xây dựng luật Bảo hiểm xã hội. Để hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh một số nội dung về đánh giá tác động một số chính sách, cân nhắc sửa đổi hoặc bổ sung một số nội dung cụ thể của dự thảo luật...
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao các ý kiến thảo luận, các ý kiến này sẽ giúp Bộ Tư pháp hoàn thành Báo cáo thẩm định và giúp cơ quan chủ trì hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ. Nhất trí với sự cần thiết nêu trong Tờ trình, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện thêm. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần thể hiện rõ nội dung về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật sửa đổi so với Luật hiện hành để Chính phủ xem xét một cách toàn diện. Thứ trưởng cũng nêu ý kiến đánh giá về sự phù hợp với chính sách, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành… Thứ trưởng yêu cầu Vụ Dân sự - kinh tế, cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định tổng hợp đầy đủ ý kiến của thành viên Hội đồng, thể hiện đầy đủ, chính xác trong Báo cáo thẩm định trình Chính phủ. Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Hội đồng, đánh giá đầy đủ, khách quan, độc lập của các chính sách nhất là các chính sách mới tác động trực tiếp đến người lao động…
An Như