Chiều 10/6, Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì buổi làm việc về việc triển khai Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Cùng dự cuộc họp có Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 549/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Đề án này được thực hiện trong 2 giai đoạn 2013-2016 và 2017-2020 nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, Thủ tướng cũng ban hành Quyết định số 2083/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” với mục tiêu xây dựng Học viên thành trung tâm lớn đào tạo nghề luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, công chứng viên và các chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tổ chức Phiên họp thứ 12 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung. Trong đó, có Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”; Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” do Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp trình.
Kết luận Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc triển khai hai Đề án đã có nhiều kết quả tích cực, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng, khát vọng vươn lên của các cơ sở đào tạo và xây dựng được thương hiệu, uy tín của các trường trong lĩnh vực đào tạo pháp lý, các chức danh tư pháp. Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, bổ sung đối với hai Đề án, đề xuất các mục tiêu cụ thể đối với từng đề án sao cho phù hợp với thực tiễn, bối cảnh mới.
Thực hiện Thông báo Kết luận phiên họp 22 nêu trên, tại cuộc họp chiều 10/6, trên cơ sở định hướng của Bộ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị liên quan đã báo cáo các công việc triển khai để xây dựng các Đề án mới. Trong đó, các ý kiến tập trung làm rõ những điểm mới, đặc thù của mỗi Đề án, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, bối cảnh mới. Đặc biệt, nhiều ý kiến đề xuất cần có sự vào cuộc sớm hơn, trách nhiệm hơn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long biểu dương Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp đã chủ động vào cuộc triển khai sớm các công việc chuẩn bị và cơ bản tán thành các ý kiến đã phát biểu. Bên cạnh đó, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu kỹ lưỡng về đặc thù khi xây dựng các Đề án mới nhằm lượng hóa được một số chỉ tiêu để thực sự trở thành trường trọng điểm, trung tâm lớn hay cơ chế trong công tác nghiên cứu khoa học, đặt hàng đào tạo từ các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu phải tập trung đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật, đào tạo các chức danh tư pháp của hai cơ sở đào tạo thuộc Bộ...
H.T