Xử lý triệt để những khó khăn, vướng mắc của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009

22/04/2021
Xử lý triệt để những khó khăn, vướng mắc của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009
Sáng nay (22/4), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 và Chủ tịch nước công bố theo Lệnh số 19/2009/L-CTN ngày 04/12/2009 có ý nghĩa to lớn trong việc quản lý hoạt động và phát triển ngành vô tuyến điện, đánh dấu một mốc quan trọng về sự nỗ lực của ngành thông tin và truyền thông nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực thông tin vô tuyến điện của đất nước.
Triển khai thực hiện Luật, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức xây dựng các văn bản để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đến nay, hầu hết các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành gồm: 08 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 57 Thông tư.
Luật Tần số vô tuyến điện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số vô tuyến điện, đảm bảo sự cạnh tranh trên thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến; đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện.
Những năm gần đây, thế giới đang chứng kiến sự thay đổi đột phá của công nghệ thông tin di động, vệ tinh và tại Việt Nam, thông tin vô tuyến đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn sắp tới. Đặc biệt, đối với tiến trình xây dựng, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, Internet vạn vật (IoT) và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hạ tầng viễn thông nói chung và thông tin vô tuyến điện nói riêng chuyển từ vai trò cung cấp dịch vụ sang vai trò làm hạ tầng số cho nền kinh tế số.
Sau 10 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Tần số vô tuyến điện và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã gặp một số khó khăn, vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện.
 

Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Đức Trung báo cáo tại Hội đồng
 
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong quá trình áp dụng pháp luật về tần số vô tuyến điện và khắc phục tối đa những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về tần số vô tuyến điện hiện nay.
Thúc đẩy phát triển thông tin vô tuyến nói riêng, phát triển kinh tế xã hội nói chung; đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao lợi ích và bảo vệ chủ quyền quốc gia về tần số và quỹ đạo vệ tinh; đảm bảo hoạt động sử dụng tần số vô tuyến điện thông suốt và tuân thủ luật pháp.
Tại phiên thẩm định, các thành viên Hội đồng đã tập trung trao đổi, thảo luận và đánh giá về một số nội dung quan trọng, như: đối tượng, phạm vi điều chỉnh; sự phù hợp của nhóm chính sách đối với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của các chính sách; tính tương thích của nội dung chính sách đối với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; sự cần thiết, tính hợp lý chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong chính sách…
Phát biểu kết luận Hội đồng, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết, Hội đồng đánh giá việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện là cần thiết nhằm đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ; phù hợp với cam kết của Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực này. Về phạm vi điều chỉnh, với 06 nhóm chính sách lớn, Thứ trưởng đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng những vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung; xử lý triệt để những khó khăn vướng mắc, nhất là thể chế hóa kịp thời các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; chủ động tích cực tham gia cách mạng công nghiệp 4.0. “Các nhóm chính sách phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, nhưng cần cân nhắc xem có bổ sung thêm chính sách nào không, như chính sách liên quan đến đầu tư kinh doanh, thời hạn đối với giấy phép sử dụng tần số, việc gia hạn, hình thức phân bổ tần số đối với tần số đã được giao đấu giá hết thời hạn…”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Về hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật, tính khả thi, tính dự báo của chính sách, Hội đồng đánh giá các chính sách đã xác định trong đề nghị xây dựng Luật không trái với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ, những giải pháp phù hợp với mục đích đề ra… Hội đồng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo trong báo cáo đánh giá tác động chính sách cần cụ thể, sâu sắc hơn, đặc biệt là việc đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, chi phí lợi ích của các giải pháp...
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về nội dung từng chính sách, tính tương thích của nội dung chính sách; sự cần thiết, tính hợp lý chi phí tuân thủ hành chính trong đề nghị xây dựng luật; trình tự, thủ tục lập đề nghị; hồ sơ đề nghị xây dựng luật…
 N.D