Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các Bộ, ngành trong công tác pháp chế

27/01/2021
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các Bộ, ngành trong công tác pháp chế
Nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác pháp chế năm 2020 theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2021, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị “Đánh giá thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ và Tổng kết công tác pháp chế bộ, ngành năm 2020, phương hướng năm 2021 gắn liền với triển khai thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 15/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật” vào chiều ngày 27/1. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy; TS. Michael Krakowski, Cố vấn trưởng Dự án GIZ; Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ; Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện Lãnh đạo và người làm công tác pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước; Lãnh đạo Ban Pháp chế một số tổ chức chính trị - xã hội; Lãnh đạo tổ chức pháp chế một số Tổng cục thuộc các Bộ, ngành; Lãnh đạo một số đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy cho biết, trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ đã đạt được những kết quả quan trọng; góp phần kiện toàn các tổ chức pháp chế tại các Bộ, ngành; xây dựng được đội ngũ, người làm công tác pháp chế vững mạnh, chuyên nghiệp. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy đánh giá cao vai trò quản lý nhà nước về công tác pháp chế của Bộ Tư pháp trong việc triển khai tích cực và hiệu quả công tác này. Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị các Bộ, ngành cần nhận thức, nhìn nhận những vấn đề mới, những hạn chế, tồn tại; từ đó, đề xuất được giải pháp khắc phục.
 

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Michael Krakowski, Cố vấn trưởng Dự án GIZ khẳng định, trong khuôn khổ hoạt động hợp tác, phía Đức đã hỗ trợ cho Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ giúp cán bộ pháp chế các Bộ, ngành trong việc soạn thảo Luật, Nghị định thông qua việc tổ chức các Hội thảo, Hội nghị. Theo đó, việc dự báo đánh giá tác động của Luật được coi là công cụ hữu hiệu để xem xét các dự thảo Luật có trái với các chính sách, hệ thống pháp luật hiện hành hay không… Trong giai đoạn tiếp theo của Dự án, phía Đức sẽ tập trung hỗ trợ các vấn đề liên quan đến tăng cường năng lực của cán bộ và công tác điều phối giữa các Bộ, ngành.
Báo cáo Đánh giá thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Đỗ Thị Thanh Hương nhận định, năm 2020, nhìn chung, vai trò chỉ đạo của lãnh đạo các bộ, ngành trong công tác pháp chế ngày càng được tăng cường. Nhiều bộ, ngành đã có chỉ thị, kế hoạch nhằm triển khai và tăng cường công tác pháp chế; chỉ đạo sát sao, kiểm tra thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi về biên chế, cơ sở vật chất; giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn; đồng thời, chỉ đạo việc phối hợp giữa các đơn vị với các tổ chức pháp chế trực thuộc bộ, ngành. Với sự tham mưu của tổ chức pháp chế, công tác pháp chế của các bộ, ngành đã đạt được những kết quả nhất định trong năm 2020. Những kết quả đó đã tiếp tục thể hiện sự đóng góp quan trọng của công tác pháp chế vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác pháp chế còn có một số khó khăn, hạn chế: chất lượng một số văn bản QPPL chưa cao, còn có sai sót; tình trạng nợ đọng thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn nhiều; quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật còn nhiều khó khăn; hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thực sự gắn với trọng tâm về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước...do đó, cần kịp thời có các giải pháp khắc phục để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2021.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 15/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác pháp chế.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, nhưng tổ chức pháp chế bộ, ngành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu, giúp các bộ, ngành thực hiện tốt quản lý nhà nước về công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.
Năm 2021, để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác pháp chế, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị Thủ trưởng các tổ chức pháp chế tập trung tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, như sau: Chủ động, tích cực tham mưu cho Lãnh đạo các Bộ, ngành các vấn đề liên quan đến xây dựng, hoàn thiện pháp luật trên cơ sở làm tốt công tác rà soát pháp luật, bám sát thực tiễn, những vấn đề vướng mắc, khó khăn; thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành mình để có đầy đủ cơ sở thực tiễn cho các đề xuất hoàn thiện pháp luật; Tập trung tham mưu tổ chức thực hiện tốt các kết luận của Bộ Chính trị, Ban  Bí thư về các nghị quyết, chỉ thị nêu trên; thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 55, tập trung triển khai Chỉ thị 43/CT-TTg ngày 15/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; Quan tâm xây dựng, thu hút, sử dụng và giữ đội ngũ chuyên gia pháp luật giỏi về chuyên môn, có đầy đủ kỹ năng cần thiết, tư duy pháp lý hiện đại để có thể đảm đương được khối lượng công việc ngày càng nặng nề, tính chất ngày càng phức tạp; Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành công tác pháp chế, giữa Bộ Tư pháp với các tổ chức pháp chế; chủ động, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
“Bộ Tư pháp với sứ mệnh giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật sẵn sàng tạo thuận lợi, đồng hành cùng các tổ chức pháp chế”, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho tổ chức pháp chế bộ, ngành và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2016-2021 và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp”.
 
 

 
 N.D - Trung tân Thông tin