Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh tại Hội nghị triển khai công tác năm 2021 của các Trường Cao đẳng Luật miền Bắc, miền Trung và miền Nam diễn ra ngày 22/01.
Thực hiện tốt công tác đào tạo, liên kết đào tạo
Trường Cao đẳng Luật miền Bắc được thành lập ngày 10/07/2020 với tiền thân là Trường Trung cấp luật Thái Nguyên. Hiện nay, Trường đã thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp cho 13 chuyên viên, bổ nhiệm 22 giáo viên trung học sang chức danh giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết hạng III. Công tác tuyển sinh của Trường cũng được triển khai dưới nhiều hình thức. Trường đã tăng cường phối hợp với Học viện Tư pháp và Đại học Luật Hà Nội tổ chức tuyển sinh lớp luật sư, đấu giá viên, công chức viên, văn bằng 2 đại học Luật và liên thông đại học Luật. Tổng số lượng hồ sơ tuyển sinh tính đến ngày 09/11/2020 là 148 hồ sơ, đã xét tuyển 01 đợt và đã nhập học 148 học sinh. Trường cũng đang tiếp tục phối hợp với Đại học khoa học – Đại học Thái Nguyên tuyển sinh hệ liên thông từ trung cấp luật lên đại học luật dự kiến là 30 sinh viên; phối hợp với Đại học Luật Hà Nội tuyển sinh lớp Văn bằng 2 hệ vừa học vừa làm dự kiến là 50 học viên. Trường tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo theo hướng chuyển dần sang tín chỉ và có nhiều tổ hợp môn tự chọn phù hợp với nhu cầu của người học và yêu cầu của nhà tuyển dụng…
Tiền thân là Trường Trung cấp Luật Đồng Hới, khi được nâng lên thành Cao đẳng Luật miền Trung, trường đã nhanh chóng tập trung triển khai thực hiện các quy trình, thủ tục đưa Trường đi vào hoạt động. Hiện nay, tổng số công chức, viên chức của Nhà trường là 37 biên chế và 04 hợp đồng 68. Năm 2020, song song với việc tuyển sinh trung cấp luật tại các địa bàn truyền thống là các tỉnh Bắc miền Trung như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Trường đã mở rộng tuyển sinh tại các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai Đắk Lắk, Lâm Đồng… Trong xu thế khó khăn chung về công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục trong cả nước, trường đã nỗ lực triển khai tuyển sinh trung cấp luật chính quy và tuyển sinh được 160 học sinh nhập học. Trường cũng phối hợp với Đại học Luật – Đại học Huế tuyển sinh lớp Văn bằng 2 đại học luật với 40 học viên, phối hợp với Học viện Tư pháp mở lớp nghiệp vụ công chứng với 45 học viên; phối hợp với Đại học Nội vụ Hà Nội tuyển sinh được khoảng hơn 300 học viên cho các lớp bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn; phối hợp với Sở Tư pháp các tỉnh miền Trung tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ Tư pháp cho hơn 100 học viên, lớp bồi dưỡng chức danh hộ tịch cấp huyện, cấp xã cho 150 học viên; phối hợp với Ban Quản lý Chương trình 585 của Bộ Tư pháp tổ chức lớp bồi dưỡng pháp luật kinh doanh cho hơn 100 học viên là lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cũng như hai Trường Cao đẳng Luật nêu trên, Trường Cao đẳng Luật miền Nam có tiền thân là Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, khi có Quyết định nâng lên thành Trường Cao đẳng, Nhà trường đã nhanh chóng xây dựng Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Cao đẳng phù hợp với thực tiễn và đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, tổng số viên chức và người lao động đang làm việc tại Trường là 29 người, trong đó viên chức là 25 người và 04 người là theo hợp đồng 68. Trong năm 2020, Nhà trường đã tuyển sinh được 150 học sinh trung cấp luật, tiếp tục duy trì việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu của người học, các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức Tư pháp hộ tịch và hòa giải viên cơ sở với tổng số 16 lớp, trong đó có 5 lớp đang học với 264 học viên, 11 lớp đã kết thúc khóa học với 1.134 học viên. Trường cũng đang tiếp tục khảo sát nhu cầu của người học và chủ động làm việc với một số trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn để phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập.
Như vậy trong thời gian qua, cả ba trường về cơ bản đã thực hiện tốt công tác đào tạo, liên kết và bồi dưỡng các lớp. Mặc dù công tác tuyển sinh chưa đạt được chỉ tiêu được giao, tuy nhiên đây cũng là xu thế khó khăn chung của cả ba trường.
Năm 2021, các trường Cao đẳng Luật tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác năm 2020 của ngành Tư pháp và Kế hoạch của Trường đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt để triển khai thực hiện; tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức của Trường; đẩy mạnh công tác tuyển sinh; nâng cao chất lượng công tác đào tạo; tiếp tục triển khai biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy chương trình đào tạo trung cấp và cao đẳng…
Nhiều điểm sáng trong một năm đầy khó khăn
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, ba Trường Cao đẳng Luật là những cơ sở đào tạo trẻ, mới được thành lập trên dưới 10 năm và vừa được nâng cấp từ các Trường Trung cấp Luật trong năm 2020, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức về nhân lực, tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc nhưng nhiều mặt công tác của khối Trường Cao đẳng Luật đã có những chuyển biến rõ nét hơn so với những năm trước đây. Thứ trưởng cho rằng, việc thành lập các Trường Cao đẳng Luật cũng là sự ghi nhận, biểu dương sự trưởng thành và những thành tích mà các Trường Trung cấp Luật và toàn thể công chức, viên chức, giảng viên, người lao động của các Trường đã đạt được trong những năm qua.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng chỉ ra những điểm sáng của từng trường như: Trường Cao đẳng Luật miền Bắc thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận; Trường Cao đẳng Luật miền Trung có nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy, đào tạo và tuyển sinh các học viên, sinh viên quốc tế; thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ miễn giảm học phí và cấp học bổng cho các lưu học sinh Lào, chia sẻ tiền lương, thu nhập tăng thêm để hỗ trợ các em học sinh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; Trường Cao đẳng Luật miền Nam quan tâm đẩy mạnh công tác giảng dạy, thi đua, tổ chức hội giảng cho các giảng viên rèn luyện kỹ năng, kinh nghiệm đứng lớp và đạt nhiều kết quả cao trong trường cũng như trong tỉnh…
Tăng cường công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo
Để phát triển bền vững, đáp ứng được mục tiêu, sứ mệnh khi nâng cấp lên các Trường Cao đẳng Luật, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị, khối Trường Cao đẳng Luật tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức cán bộ hoàn thiện hồ sơ để sớm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Kiện toàn bộ máy tổ chức và nhân sự; Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, quan tâm xây dựng định hướng và chiến lược phát triển của từng Trường giai đoạn 2021 - 2025 gắn với mục tiêu phát huy thế mạnh, nâng cao giá trị, vị thế của các Trường trong bối cảnh ngày càng có nhiều cơ sở đào tạo luật như hiện nay; Tăng cường công tác tuyển sinh theo hướng đa dạng hóa hình thức quảng bá tuyển sinh, mở rộng nguồn tuyển sinh bền vững; tranh thủ sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và trong việc dạy và học để đa dạng hóa phương thức đào tạo, tiệm cận với nền giáo dục hiện đại.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ có liên quan thực hiện tốt công tác phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ để khối Trường Cao đẳng Luật hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
An Như – Trung tâm thông tin