Bổ trợ Tư pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp trên nhiều lĩnh vực

08/01/2021
Bổ trợ Tư pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp trên nhiều lĩnh vực
Ngày 08/01, Cục Bổ trợ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2021. Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Bổ trợ Tư pháp chủ trì Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị trong và ngoài Bộ cùng dự.
Điểm sáng trong công tác xây dựng thể chế và triển khai thi hành văn bản pháp luật
Báo cáo công tác năm 2020 tại Hội nghị cho biết, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế của đơn vị đạt được nhiều kết quả với 08 văn bản quan trọng gồm 01 Luật, 02 Nghị định, 02 Thông tư, 01 Nghị quyết, 01 Chỉ thị và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội thông qua với 92,96% số đại biểu tán thành. Cục cũng đã tham mưu cho Bộ ban hành 06 Quyết định công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa trong các lĩnh vực đấu giá tài sản, quản tài viên, hòa giải thương mại, trọng tài thương mại, luật sư, tư vấn pháp luật, 01 Quyết định công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực thừa phát lại…
 
\
 
Bên cạnh đó, năm 2020, Cục đã tích cực phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Bộ tham gia xây dựng một số văn bản liên quan đến giám định tư pháp trong lĩnh vực: ngân hàng, tiền tệ, kỹ thuật hình sự; giám định pháp y đối với trẻ em bị xâm phạm; giám định tư pháp trong hoạt động điều tra án hình sự…
Năm 2020, Cục đã triển khai có hiệu quả văn bản pháp luật trong các lĩnh vực công tác của Cục như: Triển khai Luật sửa đổi một số điều của Luật luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020; Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế; Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; Triển khai Luật công chứng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp; Luật đấu giá tài sản và nhiều văn bản dưới luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành…
Các công tác khác của Cục cũng đạt được những kết quả nhất định: Hoạt động cấp phép trong các lĩnh vực quản lý của đơn vị đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không có biểu hiện tiêu cực; mặc dù năm 2020 Cục đã cắt giảm một số đoàn thanh tra chuyên ngành do ảnh hưởng của dịch Covid19, tuy nhiên công tác thanh tra trong năm qua đã kịp thời nắm bắt được tình hình tổ chức và hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp…
Đào tạo bồi dưỡng bắt buộc trước khi hành nghề
Đánh giá công tác phối hợp trong năm 2020 đã góp phần mang lại hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Cục, đồng chí Nguyễn Xuân Thu Phó Giám đốc phụ trách Học viện Tư pháp khẳng định Cục Bổ trợ tư pháp và Học viện Tư pháp đã phối hợp rất nhanh chóng và kịp thời, đặc biệt trong việc đào tạo các chức danh tư pháp. Chia sẻ một số khó khăn trong việc đào tạo các chức danh tư pháp, đồng chí Nguyễn Xuân Thu cho biết trong Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, Thủ tướng có giao chỉ tiêu về đào tạo Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên, Đấu giá viên, Trọng tài viên, Trợ giúp viên pháp lý, Thẩm tra viên thi hành án dân sự, Thư ký Thi hành án dân sự và các chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp (đến năm 2020, phấn đấu đạt quy mô đào tạo các chức danh tư pháp trong 05 năm khoảng 39.750 người). Tuy nhiên, đến nay Học viện Tư pháp vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu được giao vì chưa có cơ chế, chính sách và các nguyên nhân khách quan khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Thu đề nghị, Cục cần tham mưu đưa vào các văn bản có liên quan quy định bắt buộc phải qua đào tạo, bồi dưỡng trước khi cấp chứng chỉ và hành nghề trên thực tế. Theo đồng chí, nếu không được đào tạo, bồi dưỡng thì sẽ có rất nhiều vấn đề xảy ra khi hành nghề. Về miễn đào tạo và tập sự hành nghề trong lĩnh vực luật sư, theo đồng chí cũng phải tính toán kỹ càng, để tham mưu ban hành quy định cho phù hợp.
 
Đánh giá về công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Đồng chí Tạ Thị Tài, Phó Chánh Thanh tra Bộ, nhất trí với nội dung này trong dự thảo báo cáo của Cục, đồng thời đánh giá cao kết quả mà Cục đã đạt được. Đồng chí cũng khẳng định, công tác phối hợp giữa hai đơn vị trong thời gian qua được thực hiện rất tốt. Năm 2020 do tác động của dịch Covid 19 và thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, công tác thanh tra đột xuất được tăng cường và thực hiện thường xuyên, riêng lĩnh vực đấu giá tài sản đã thực hiện thanh tra được trên 20 cuộc thanh tra đột xuất, phát hiện được nhiều sai phạm.
Trong năm 2021, đồng chí Tạ Thị Tài đề nghị, Cục tiếp tục phối hợp với Thanh tra Bộ để tăng cường thanh tra đột xuất; Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các Kết luận thanh tra, trong trường hợp cần thiết phải kiểm tra trực tiếp việc thực hiện Kết luận. Đồng chí cũng cho biết, sau Quý I năm 2021, Thanh tra Bộ sẽ tổ chức tập huấn Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác trên toàn quốc, đồng chí mong Cục sẽ tiếp tục tham gia và phối hợp để thực hiện tập huấn trong công tác thanh tra chuyên ngành.
 

 
Cũng khẳng định trong những năm qua, Cục Bổ trợ tư pháp đã luôn đồng hành, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đồng chí Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, trong năm 2021 một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Liên đoàn là tổ chức Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ 3, đồng chí mong Cục Bổ trợ tư pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp để Liên đoàn tổ chức thành công Đại hội.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Bổ trợ Tư pháp cho biết, trong năm 2020 với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, sự nỗ lực hết sức và chịu trách nhiệm cao của toàn bộ cán bộ công chức, viên chức, bên cạnh đó là sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các cơ quan trong và ngoài Bộ, Cục Bổ trợ tư pháp triển khai đồng bộ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện công việc, do đó đã hoàn thành 100% công việc theo Kế hoạch đề ra. Trả lời về các kiến nghị mà các đại biểu nêu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Mai mong rằng, năm 2021 khối lượng công việc lớn hơn, yêu cầu cao hơn, các đơn vị trong và ngoài Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để hỗ trợ Cục Bổ trợ Tư pháp hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành công chung của Bộ, ngành Tư pháp.
An Như