Ngày 07/01, Bộ trưởng Lê Thành Long đã dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực năm 2021, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cùng dự.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử phủ sóng rộng khắp 63 tỉnh/thành phố
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2020, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin triển khai thực hiện Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, mở rộng phạm vi áp dụng phần mềm. Tính đến 31/12/2020, trên toàn hệ thống đã có hơn 14.800 công chức làm công tác hộ tịch tại gần 11.000 UBND cấp xã, 712 Phòng Tư pháp cấp huyện và 63 Sở Tư pháp tham gia tác nghiệp hàng ngày. Trong giai đoạn 2016-2020, các cơ quan đăng ký hộ tịch đã thực hiện đăng ký khai sinh gồm cả đăng ký mới, đăng ký quá hạn và đăng ký lại cho gần 15,2 triệu trường hợp, đăng ký khai tử cho hơn 2,8 triệu trường hợp, đăng ký kết hôn cho gần 3,7 triệu cặp. Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ kết nối, cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh khoảng 4,9 triệu trường hợp; thực hiện liên thông đăng ký khai sinh – cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 1,3 triệu trường hợp cho trẻ dưới 6 tuổi trên môi trường điện tử. Riêng trong năm 2020, cơ quan đăng ký hộ tịch trên toàn quốc đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho 1,9 triệu trường hợp, đăng ký khai sinh lại cho hơn 1triệu trường hợp, đăng ký khai tử cho gần 600 trường hợp, đăng ký kết hôn cho hơn 630 nghìn trường hợp, trong đó có 7.500 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Trong năm 2020, Cục đã tổ chức triển khai thi hành có hiệu quả Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành. Các nhiệm vụ trong Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch và Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024 được bảo đảm tiến độ, chất lượng. Các lĩnh vực công tác khác của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực như xây dựng văn bản, đề án, chính sách, công tác quốc tịch, chứng thực cũng đạt được nhiều kết quả.
Nghiên cứu bỏ chứng thực bản sao từ bản chính, thay thế bằng bản sao chứng thực điện tử
Giai đoạn 2021-2025, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Hộ tịch và hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024; tập trung nguồn lực hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc để vận hành đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mở rộng phạm vi thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến và hiện đại hóa công tác đăng ký, quản lý hộ tịch tiến tới thực hiện đăng ký hộ tịch không phụ thuộc vào nơi cư trú; Nghiên cứu, tổng kết đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, theo hướng bảo đảm thực hiện hiệu quả nguyên tắc quốc tịch Việt Nam, hạn chế tối đa tình trạng không quốc tịch tại Việt Nam; giải quyết thỏa đáng vấn đề công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, bảo đảm phù hợp với pháp luật quốc tế, hạn chế tối đa xung đột pháp luật về quốc tịch… Ngoài ra, nghiên cứu giải pháp hạn chế, tiến tới bỏ chứng thực bản sao từ bản chính, thay thế bằng bản sao chứng thực điện tử; chuẩn hóa công tác chứng thực tại UBND cấp xã theo hướng tập trung vào thị thực chữ ký, xác nhận giấy tờ, chuyển dần việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện theo Luật Công chứng.
Điểm lại một số kết quả nổi bật trong năm 2020 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực như: Công tác xây dựng thể chế và quản lý, đăng ký hộ tịch mang lại nhiều kết quả khả quan; Công tác nhập quốc tịch, thôi quốc tịch cơ bản đảm bảo; Công tác chứng thực đi vào nề nếp; Việc hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của Cục được thực hiện tương đối thường xuyên, Bộ trưởng Lê Thành Long đã ghi nhận và biểu dương các thành tích mà Cục đã đạt được. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong công tác hộ tịch, quốc tịch…
Nhất trí với định hướng công tác của Cục năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng đề nghị Cục cần lưu ý một số vấn đề: Về quản lý, đăng ký hộ tịch, không được để bị động khi chia sẻ, kết nối dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nghiên cứu và có đề xuất về công tác luân chuyển cán bộ; về mô hình đăng ký hộ tịch, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, Bộ trưởng cho rằng “
nếu không có cách làm và giải pháp thì sẽ không khả thi”; bày tỏ sự trăn trở của mình về vấn đề quốc tịch, Bộ trưởng đề nghị phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ việc sửa đổi Luật Quốc tịch; đối với công tác chứng thực, Bộ trưởng cho rằng phải có giải pháp cụ thể trong trường hợp bỏ chứng thực bản sao từ bản chính, thay thế bằng bản sao chứng thực điện tử và cần phải tính toán kỹ để thực hiện thí điểm nhưng phải thấm nhuần và dựa trên tính thực tiễn của Việt Nam…
Trong dịp này, Lãnh đạo Bộ đã trao Bằng khen cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2020.
An Như