Hội nghị đối thoại và tập huấn nghiệp vụ pháp chế khu vực phía Nam năm 2020

09/10/2020
Hội nghị đối thoại và tập huấn nghiệp vụ pháp chế khu vực phía Nam năm 2020
Vừa qua, tại Ninh Thuận, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Viện Konrad - Adenauer - Stiftung (Viện KAS), Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại và tập huấn nghiệp vụ pháp chế khu vực phía Nam năm 2020. Ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và ông Peter Girke, Trưởng đại diện Viện KAS, Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có khoảng 250 đại biểu gồm các lãnh đạo Sở Tư pháp, người làm công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế tại 32 địa phương khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã đánh giá cao về kết quả hợp tác giữa Viện KAS với Bộ Tư pháp trong thời gian qua. Thứ trưởng cho rằng công tác pháp luật và tư pháp nói chung, công tác pháp chế nói riêng hiện nay giữ vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong điều kiện cả nước đang đẩy mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tăng cường hội nhập quốc tế. Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã hết sức quan tâm và dành nhiều biện pháp cụ thể để tăng cường năng lực cho đội ngũ pháp chế, nhờ đó chất lượng đội ngũ pháp chế đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các địa phương và được lãnh đạo các địa phương giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng và ngày càng được tin tưởng hơn.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước, công tác pháp chế còn bộc lộ những bất cập, hạn chế, đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế còn tương đối mỏng, một bộ phận lớn đang phải kiêm nhiệm các nhiệm vụ ở địa phương và năng lực trình độ trong một bộ phận còn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Để đáp ứng được tình hình đó, trong những năm gần đây, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chủ trương đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, đối thoại cho cán bộ làm công tác pháp chế trên mọi miền tổ quốc và hàng năm trong khuôn khổ hợp tác với Bộ Tư pháp và bảo vệ người tiêu dùng liên bang Cộng hòa Liên bang Đức, Bộ Tư pháp đều tổ chức 2 Hội nghị pháp chế cho đội ngũ cán bộ pháp chế ở 2 miền Nam - Bắc. Đây là dịp tốt để đội ngũ cán bộ pháp chế gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, học hỏi nhau để rút ra những cách làm hay, hiệu quả, những mô hình mới để thực hiện nhiệm vụ, qua đó, năng lực, chất lượng của pháp chế ngày càng được hoàn thiện.

Tại Hội nghị đối thoại các đại biểu đã tập trung trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh khu vực phía Nam và đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác pháp chế trong giai đoạn hiện nay. Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành từ năm 2011 đến nay đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập gây khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong cả thực hiện nhiệm vụ lẫn việc tổ chức, biên chế thực hiện công tác pháp chế, đặc biệt trong điều kiện hiện nay khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có nhiều điểm còn chưa đồng bộ với nhiều văn bản quy phạm pháp luật, điều này gây khó khăn cho công tác pháp chế hiện nay ở địa phương.
Thông tin về tình hình tổ chức, biên chế làm công tác pháp chế tại các địa phương khu vực phía Nam, bà Huỳnh Thị Lệ Thủy, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam cho biết, trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015 có 19/25 địa phương trong khu vực đã thành lập được Phòng Pháp chế tại các Sở, ngành và kết quả này đã góp phần phát huy được vai trò của công tác tư pháp nói chung ở các địa phương. Tuy nhiên, trong điều kiện tổ chức pháp chế, người làm công tác pháp chế được giao thêm một số nhiệm vụ mới nhưng do thực hiện nhiều văn bản của cấp trên liên quan đến tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế nên cơ cấu tổ chức của các tổ chức pháp chế trong khu vực có nhiều thay đổi. Hiện nay ở các tỉnh khu vực phía Nam chỉ còn trên 1000 cán bộ làm pháp chế, trong đó chỉ có khoảng 250 cán bộ chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm. Điều này đã dẫn đến nhiều hạn chế, bất cập trong công tác tư pháp, pháp chế nói chung ở các tỉnh khu vực phía Nam.

Theo bà Lê Thị Hồng Phượng, Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Tháp cho rằng công tác pháp chế ở các Sở, ngành có mối quan hệ mật thiết với chất lượng, hiệu quả của công tác của Sở Tư pháp. Bà Phượng đề nghị thời gian tới, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cần phải được sửa đổi để phù hợp, đồng bộ với các văn bản QPPL, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác pháp chế hiện nay.
Tại Hội nghị các đại biểu cũng đưa ra nhiều cách làm hay, hiệu quả ở địa phương, đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất để nâng cao chất lượng công tác pháp chế và phản ánh về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015. Hội nghị cũng được nghe đại diện lãnh đạo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp giới thiệu về những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tập huấn về nghiệp vụ đánh giá tác động thủ tục hành chính trong xây dựng pháp luật./.
Ngô Huyền