Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia giao thông

08/10/2020
Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia giao thông
Ngày 08/10, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế. Tham dự cuộc họp còn có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ và Bộ, ngành có liên quan là thành viên Hội đồng thẩm định.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính, cho biết: Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 thì mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411km. Như vậy, tỷ lệ tuyến đường cao tốc hiện có so với quy hoạch mới đạt khoảng 15%.

 
Ông Nguyễn Quốc Hưng khẳng định, mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết, nhằm: Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng; thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc; Huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc nhằm có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng mới và bảo trì các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư; Tuân thủ và đồng bộ các quy định của Luật Giá, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật và các quy định của pháp luật liên quan.
Thu giá dịch vụ hay thu phí dịch vụ?
Dự thảo Nghị quyết gồm 2 điều, điều 1 quy định về nội dung Nghị quyết, điều 2 quy định về hiệu lực thi hành. Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của UBTVQH theo 02 phương án: Phương án 1, quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá; Phương án 2, quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về phí , lệ phí.
Tại cuộc họp, Bộ Tài chính đã phân tích ưu, nhược điểm của 02 phương án nêu trên. Để đảm bảo công khai, minh bạch, đồng bộ với thu phí dịch vụ hoàn vốn các dự án BOT, Bộ Tài chính thể hiện quan điểm chọn Phương án 1, trình UBTVQH ban hành Nghị quyết quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá.
Bà Đào Thanh Thảo, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng, việc thu phí cao tốc chỉ áp dụng cho đường có đường song hành cho người dân lựa chọn, chứ không phải đường độc đạo như trước kia, ví dụ như cao tốc Sài Gòn Trung Lương có Quốc lộ 1 song hành.

Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tài chính, Bộ GTVT, cơ chế thu phí sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách; linh hoạt trong sử dụng phí thu được; linh hoạt trong xác định mức thu; không trùng với phí hàng năm thu do có đường song hành; có hướng giải quyết rõ ràng để hoàn thiện pháp luật thu phí, lệ phí; thời gian triển khai nhanh… Về cơ chế thu giá dịch vụ thì phải xây dựng cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp đứng ra thu phí, Bộ GTVT chỉ quản lý chứ không thu; mức giá không linh hoạt như thu phí; khi giao doanh nghiệp thu thì phải giao vốn, đây là việc chưa có tiền lệ và thực chất để xác định giá trị con đường để đưa vào vốn của doanh nghiệp là việc rất khó khăn, chỉ có thể thế chấp quyền thu phí. Bà Đào Thanh Thảo nhấn mạnh quan điểm Bộ GTVT là phương án 2, quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về phí, lệ phí.
Các đại biểu tham dự cuộc họp đã trao đổi, thảo luận đưa ra ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và thể hiện quan điểm về 02 phương án.

Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia giao thông
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao sự cần thiết ban hành Nghị quyết của UBTVQH về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Thứ trưởng khẳng định, thẩm quyền, hình thức ban hành của dự thảo Nghị quyết phù hợp với các quy định của pháp luật về ban hành văn bản QPPL. Về phạm vi áp dụng, Thứ trưởng yêu cầu đơn vị chủ trì soạn thảo cần làm rõ 02 dự thảo Nghị quyết về tên và nội dung bổ sung danh mục. Cân nhắc làm rõ thu đường cao tốc nào, thu như thế nào, thể hiện rõ chính sách sẽ thu và chú ý đảm bảo 02 nguyên tắc: “Đây là đầu tư mới và có đường song hành, như vậy mới thuyết phục được người dân thực hiện”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, dự thảo Nghị quyết đã phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp. Trong bối cảnh nguồn kinh phí đầu tư cho hạ tầng từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế thì việc thu để có kinh phí đầu tư là cần thiết và phù hợp với thị trường. Thứ trưởng lưu ý cần đánh giá kỹ lưỡng hơn sự liên quan tới Luật đầu tư công, Luật giá, Luật phí và lệ phí; đảm bảo không trái điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia.

Thứ trưởng cũng đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Hội đồng trong việc đánh giá sâu hơn ưu, nhược điểm từng phương án, dưới các khía cạnh khác nhau, về: cơ sở pháp lý; quyền lợi của người tham gia giao thông ở trên đường cao tốc; tác động đến chính sách thu hút nguồn vốn, thu ngân sách, phân bổ vốn đầu tư công. Từ những phân tích, đánh giá, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục làm việc với Bộ GTVT để thống nhất 01 phương án trình Chính phủ xem xét, quyết định.
N.Dung