Hội nghị giao ban công tác tư pháp khu vực phía Nam

25/09/2020
Hội nghị giao ban công tác tư pháp khu vực phía Nam
Chiều nay – 25/9, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đã chủ trì Hội nghị trực tuyến giao ban công tác tư pháp khu vực phía Nam. Dự Hội nghị tại điểm cầu tại Bộ Tư pháp có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam cùng đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ; điểm cầu tại khu vực phía nam có lãnh đạo các Sở Tư pháp cùng dự.
Tập trung đánh giá các điểm nổi, điểm nghẽn trong công tác tư pháp
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc tổ chức giao ban công tác tư pháp qua hình thức trực tuyến sẽ góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện các nhiệm vụ của Bộ, ngành. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả, điểm nổi, điểm nghẽn, mô hình, cách làm hay, phân tích, mổ xẻ những hạn chế, tồn tại và đưa ra những đề xuất, kiến nghị trong đó tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm như: đánh giá tác động chính sách; việc lấy ý kiến nhất là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản; sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng VBQPPL, QLXLVPHC và TDTHPL; khó khăn, vướng mắc trong triển khai Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP...
 

 
Báo cáo công tác tư pháp khu vực phía Nam, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam cho biết, công tác tư pháp tại các địa phương trong khu vực phía Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 đã bám sát 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao theo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Thông báo kết luận của Bộ trưởng Lê Thành Long tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020. Các Sở Tư pháp trong khu vực tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của cấp ủy và chính quyền địa phương. Các công tác như văn bản quy phạm pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính, phổ biến giáo dục pháp luật, quản lý nhà nước về hộ tịch, lý lịch tư pháp, bổ trợ tư pháp tại các địa phương tiếp tục có những chuyển biến tích cực, giảm tình trạng trễ hạn...
 

 
100% các Sở Tư pháp khu vực phía Nam đã triển khai Phần mềm đăng ký và quản lý Hộ tịch
Theo Báo cáo, một số lĩnh vực công tác có kết quả rõ rệt. Về công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, đồng chí Nguyễn Thanh Bình cho biết, đã có 25/25 địa phương trong khu vực chính thức áp dụng Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp. Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bến Tre đã triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến, tuy số lượng hồ sơ đăng ký trực tuyến chưa nhiều, chỉ chiếm khoảng 12% trên tổng số hồ sơ đăng ký hộ tịch, nhưng cũng đã ghi nhận sự phản hồi tích cực từ phía người dân. Các địa phương đã triển khai số hóa Sổ hộ tịch giai đoạn 1 vào Hệ thống hộ tịch 158, nhưng chỉ có 4 địa phương đã có kết quả. Cụ thể Sóc Trăng đã thực hiện được 65% theo đúng kế hoạch của Bộ, An Giang 99.22%, Đồng Tháp 99,59%, Long An 96,44%; các địa phương còn lại mới triển khai, chưa có kết quả thực hiện, hoặc đang trong giai đoạn xin kinh phí.
Bên cạnh đó, các công tác tư pháp khác cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn của tình hình chung và đạt được một số kết quả. Tuy vậy, công tác tư pháp trong khu vực vẫn còn một số điểm hạn chế, bất cập, cần khắc phục như công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp bộ máy trong tình hình mới; hoạt động PBGDPL chưa có nhiều hình thức mới, tạo được bước đột phá; Công tác quản lý thi hành pháp luật về XLVPHC chưa đạt được kết quả như mong muốn; Chất lượng hoạt động của các TCHNCC, BĐGTS, GĐTP tại một số địa phương còn chưa tốt...
 

Tại Hội nghị, đại diện của nhiều Sở Tư pháp đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị để khắc phục tồn tại và nâng cao hiệu quả công tác tư pháp như: Bộ Tư pháp tham mưu, đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và hướng dẫn về biên chế để kiện toàn đội ngũ cán bộ pháp chế cho phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương; quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với người làm công tác pháp chế; trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật, cần điều chỉnh thời gian đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cho phù hợp với thời gian thực hiện đánh giá của các đảng bộ chính quyền cấp xã đạt trong sạch, vững mạnh và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; Cần nâng chuẩn tiếp cận pháp luật trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Về bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn số 5182/VPCP-PL ngày 26/6/2020 của Văn phòng Chính phủ; Bộ Tư pháp sớm xây dựng và ban hành văn bản quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị có tài sản thực hiện việc chọn lựa tổ chức đấu giá tài sản một cách công khai, khách quan, minh bạch, góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản và ban hành Thông tư hướng dẫn các quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP để tăng cường hành lang pháp lý cho việc triển khai thực hiện các quy định về tổ chức, hoạt động của Thừa phát lại. Trong đó xem xét hướng dẫn cách thức xử lý đối với những vi bằng được lập không đúng quy định của pháp luật…
 
 
Phát huy vai trò của Sở Tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ
Điểm lại một số kết quả nổi bật công tác tư pháp khu vực phía Nam, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đã biểu dương và ghi nhận những kết quả đạt được của các Sở Tư pháp trong 9 tháng đầu năm 2020. Chia sẻ những khó khăn đối với Sở Tư pháp trong tình hình chung của đất nước, Thứ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần tập trung giải quyết, khắc phục. Nhất trí với các nhiệm vụ cần triển khai trong 3 tháng cuối năm, Thứ trưởng đề nghị: Các địa phương trong khu vực cần tiếp tục tích cực nỗ lực phấn đấu, có giải pháp đột phá thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Kế hoạch công tác năm 2020 của cơ quan để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đặt ra trong 3 tháng cuối năm; Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Phát huy vai trò của Sở Tư pháp trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản tại địa phương; Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch của Việt Nam giai đoạn 2017-2024; Thực hiện triệt để cải cách thủ tục hành chính trong công tác tư pháp, nhất là các lĩnh vực liên quan đến lý lịch tư pháp, hộ tịch, chứng thực. Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp...
                      An Như – Trung tâm Thông tin