Xử lý kịp thời các quy định mâu thuẫn, bất cập, không phù hợp thực tiễn

17/09/2020
Xử lý kịp thời các quy định mâu thuẫn, bất cập, không phù hợp thực tiễn
Sáng 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ 48, cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước.
Tập trung rà soát 10 lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách lớn về xây dựng, hoàn thiện thể chế, trọng tâm là hệ thống pháp luật.

Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát số lượng lớn văn bản, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý nhiều quy định để phù hợp với Hiến pháp năm 2013; hệ thống hóa để xác định và công bố chính xác các văn bản QPPL đang còn hiệu lực trên cả nước, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN giai đoạn hiện nay đang đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật. Trong khi đó, do những nguyên nhân khác nhau, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay vẫn chưa thực sự đầy đủ, đồng bộ; hệ thống pháp luật vẫn còn những hạn chế; một số lĩnh vực pháp luật, nhất là liên quan đến quyền sử dụng đất, điều kiện đầu tư kinh doanh, thị trường vốn, thị trường lao động, xây dựng, nhà ở, quy hoạch còn có vướng mắc, bất cập.

Theo đó, mục đích của việc rà soát này là nhằm phát hiện các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; có phương án xử lý kịp thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội.

Phạm vi rà soát là các văn bản QPPL của các cơ quan Trung ương đang còn hiệu lực (tính đến ngày 30/6/2020), trừ Hiến pháp. Trọng tâm là các lĩnh vực pháp luật tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, tổng số văn bản đã được các bộ, cơ quan ngang bộ, các nhóm rà soát của Tổ công tác của Thủ tướng thực hiện là 8.779 văn bản (bao gồm 249 bộ luật, luật; 43 nghị quyết của Quốc hội; 44 pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 1.163 nghị định của Chính phủ; 866 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6414 văn bản của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ).

Bộ trưởng lấy ví dụ về báo cáo của VCCI kiến nghị 25 nội dung được cho là có chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng trong pháp luật về đầu tư kinh doanh, qua rà soát cho thấy, 16/25 nội dung được nêu là có cơ sở hoặc đúng một phần, 9/25 nội dung chưa chính xác.

Nhiều nội dung trong các kiến nghị này đã được Bộ Tư pháp chủ động rà soát, phát hiện trước đó, thể hiện trong các báo cáo rà soát. Đến nay, 12/16 nội dung đã được xử lý tại Luật Đầu tư năm 2020 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020; 4 nội dung khác đang được các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất xử lý trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường và một số nghị định của Chính phủ

Qua rà soát cho thấy, nội dung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn được nêu cụ thể, trong đó tập trung vào 10 lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh: Quy định về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp; quy định về phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư; quy định về tài chính; thuế; quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; quy định về đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng và kinh doanh bất động sản; quy định pháp luật về lao động, việc làm và an sinh xã hội; quy định về hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh trong kinh doanh, phá sản doanh nghiệp; quy định về kiểm tra chuyên ngành; quy định về bổ trợ tư pháp và tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; quy định pháp luật đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; quy định về phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý Nhà nước về kinh tế.

Hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp

Báo cáo số 411/BC-CP của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản QPPL cho thấy, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất. Một số cơ quan soạn thảo văn bản chưa quan tâm đúng mức đến việc rà soát đầy đủ, kỹ lưỡng quy định trong các văn bản QPPL liên quan khi sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định mới, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định.

Bên cạnh đó, việc gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả, chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời nhu cầu thực tiễn. Việc triển khai thực hiện một số chế định pháp luật còn thiếu đồng bộ, nhất là xử lý vi phạm chưa kịp thời và đủ nghiêm khắc. Cơ chế đảm bảo cho người dân giám sát thi hành pháp luật còn chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Một số trường hợp ban hành văn bản QPPL chưa chú trọng đúng mức đến đánh giá tác động và các điều kiện bảo đảm thi hành,dẫn đến khó đi vào cuộc sống. Việc tổng kết thực tiễn thi hành văn bản QPPL trong một số trường hợp chưa được tiến hành kịp thời, hiệu quả.

Kết quả tổng hợp những phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bất cập của các văn bản QPPL cho thấy, nhiều vướng mắc, bất cập xuất phát từ việc hiểu không đúng, không nắm vững nguyên tắc áp dụng pháp luật dẫn đến lúng túng, thậm chí áp dụng sai pháp luật.

Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng nguồn lực nhìn chung chưa tương xứng với tầm quan trọng, tính chất khó khăn, phức tạp của hoạt động xây dựng pháp luật. Các điều kiện đảm bảo thi hành pháp luật còn chưa đầy đủ, nhất là về tổ chức, bộ máy, biên chế và kinh phí.

Cơ chế phối hợp trong tổ chức thi hành pháp luật còn chưa đồng bộ, hiệu quả. Hoạt động đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ xây dựng pháp luật chưa thực sự sát với yêu cầu thực tiễn. Cơ chế đãi ngộ chưa thu hút được nguồn cán bộ có chuyên môn cao.

Nhiều vấn đề kinh tế, xã hội mới, phức tạp nảy sinh, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã dẫn tới những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Xử lý kịp thời các quy định mâu thuẫn, bất cập, không phù hợp thực tiễn

Từ thực trạng trên, báo cáo của Chính phủ đề xuất các giải pháp là khẩn trương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản QPPL để xử lý kịp thời các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn.

Tiếp tục thực hiện nghiêm quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL bảo đảm chặt chẽ, khoa học, chuyên nghiệp. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần quan tâm, nhận thức đầy đủ về nội dung, yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật. Cần nhận thức rõ văn bản quy phạm pháp luật là bộ phận cốt lõi của thể chế, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, gắn kết chặt chẽ các công tác này với xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.

Tăng cường nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, có giải pháp đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí, đảm bảo tài chính để đáp ứng yêu cầu đổi mới quy trình xây dựng chính sách, pháp luật, triển khai các giải pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận pháp luật. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, chú trọng đối thoại với doanh nghiệp về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật…

Lê Sơn


Chinhphu.vn