Khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết

03/08/2020
Khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết
Chiều 3/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành về dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp và Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành năm 2020.

Xây dựng pháp luật gắn kết hơn với thi hành pháp luật

Báo cáo tại cuộc họp, Lãnh đạo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng thể chế, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện nhằm kịp thời báo cáo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác nêu trên.
Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, tập trung vào một đầu mối là tổ chức pháp chế, góp phần rút ngắn quy trình ban hành văn bản, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Các văn bản được ban hành đảm bảo đúng thẩm quyền, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính hống nhất đồng bộ, khả thi. Hồ sơ của các dự án luật có nhiều cải thiện, mặc dù chất lượng các hồ sơ chưa đồng đều nhưng cơ bản đảm bảo đầy đủ. Trình tự, thủ tục đều được tuân thủ đúng quy định của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015.
Việc bố trí nguồn lực cho công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh được đảm bảo. Ở Trung ương, số cán bộ, công chức làm công tác xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định là gần 5.200 người còn ở địa phương là hơn 11.000 người.
Công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc ban hành văn bản QPPL được chú trọng đến những văn bản thuộc các lĩnh vực có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp như thương mại, đất đai, doanh nghiệp, xây dựng; các văn bản liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh. Phát hiện, đề nghị xử lý nhiều văn bản có nội dung trái pháp luật, tạo được dư luận tích cực trong xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tác động tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, đồng thời nâng cao nhận thức của cơ quan ban hành văn bản về chấp hành lý luật ban hành văn bản.
Quan tâm bảo đảm nguồn lực thực hiện
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết còn một số bất cập, hạn chế như: tình trạng nợ ban hành văn quy định chi tiết cơ bản được khắc phục nhưng chưa triệt để; còn một số văn bản quy định chi tiết có chất lượng hạn chế; hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đạt hiệu quả như mong muốn; nguồn lực đảm bảo cho công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ…
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng dự thảo Báo cáo cần thể hiện rõ nét kết quả của 2 công tác là công tác tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp và công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL. Ngoài ra, dự thảo báo cáo mới chủ yếu đề cập tới nội dung liên quan tới nguồn nhân lực đảm bảo cho công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh mà chưa làm rõ hơn các vấn đề việc bố trí nguồn kinh phí theo Thông tư 338/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản QPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Theo đại diện Văn phòng Bộ Tư pháp, các kết quả của công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL đã được thể hiện khá rõ, song dự thảo báo cáo cần làm rõ hơn các nội dung liên quan tới công tác triển khai thi hành pháp luật; việc bố trí nguồn lực; công tác kiểm tra theo dõi thi hành pháp luật tại các Bộ, ngành, địa phương. Còn đại diện Bộ Công thương cho rằng để nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản QPPL, cán bộ làm công tác thẩm định cần bám sát hơn tới công tác xây dựng luật tại các Bộ, ngành, nhất là đối với các luật chuyên ngành cần kiến thức pháp luật chuyên sâu.
Sau khi nghe đại diện các Bộ, ngành góp ý với các nội dung cụ thể của dự thảo báo cáo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị các Bộ, ngành cần phát huy tinh thần, trách nhiệm trong việc góp ý, hoàn thiện dự thảo Báo cáo. Theo đó, cần kịp thời cập nhật các số liệu đầy đủ, chính xác để Bộ Tư pháp tổng hợp chung. Cùng với đó, cần đánh giá toàn diện các kết quả đã đạt được trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, phân tích các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể, phù hợp. Trong đó lưu ý tới các giải pháp đã thực hiện trước đó, đề xuất các giải pháp mới, đặc biệt là giải pháp để khắc phục nhanh chóng, triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết.