Chú trọng tới đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp của Thừa phát lại

28/05/2020
Chú trọng tới đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp của Thừa phát lại
Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh tại cuộc họp thẩm định Chương trình khung đào tạo nghề Thừa phát lại (TPL) do Học viện Tư pháp xây dựng diễn ra vào chiều 27/5.
Chương trình đào tạo nghề TPL nhằm trang bị cho học viên đạo đức nghề nghiệp TPL, kiến thức, kỹ năng cơ bản và chuyên sâu của TPL trong lĩnh vực lập vi bằng, tống đạt văn bản, xác minh điều kiện thi hành án dân sự và thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự; góp phần phát triển đội ngũ TPL đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. 
Theo đó, đối tượng đào tạo là những người có bằng cử nhân luật trở lên; chương trình đào tạo trong 6 tháng. Chương trình đào tạo gồm 18 tín chỉ, trong đó bao gồm kiến thức chung về nghề TPL, đạo đức nghề nghiệp TPL, quy định pháp luật liên quan đến hoạt động TPL. Kiến thức kỹ năng gồm kỹ năng tống đạt; thông báo văn bản và xác minh điều kiện thi hành án dân sự; kỹ năng lập vi bằng; kỹ năng thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự. Ngoài ra còn có kiến thức thực hành nghề và kiến thức tự chọn.
Đánh giá cao sự chuẩn bị của Học viện Tư pháp, đặc biệt khi đã tính tới yếu tố liên thông với các chương trình đào tạo khác có liên quan tới TPL, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Chương trình đào tạo nghề TPL cần cung cấp được kiến thức chung về Nhà nước - pháp luật; kiến thức pháp luật về TPL; chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về TPL; kịp thời cập nhật các quy định mới. Cùng với đó, cần cân nhắc thêm các kỹ năng cần thiết đưa vào trong chương trình đào tạo; chú trọng tới các nội dung về đạo đức, phẩm chất, trách nhiệm nghề nghiệp TPL. Sau khi Chương trình được hoàn thiện và thông qua, Học viện cần tiến hành xây dựng giáo trình, hồ sơ tình huống và các tài liệu khác phục vụ cho hoạt động đào tạo.
K.Quy