Một nội dung đáng chú ý của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được trình Quốc hội là đề xuất ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại phiên họp chiều 22/5 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.
Một trong hai vấn đề xin ý kiến của Quốc hội do vẫn còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc bổ sung quy định “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.
Theo Bộ trưởng, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần quy định đây là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Việc bổ sung thêm biện pháp này sẽ góp phần tăng thêm công cụ mang tính mệnh lệnh, phục tùng thể hiện quyền lực Nhà nước, có hiệu quả cao trong xử lý vi phạm, áp dụng trực tiếp với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt nhằm ngăn chặn tối đa việc tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, thiết lập lại trật tự quản lý nhà nước đã bị xâm hại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính nhà nước.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần quy định đây là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, vì sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngăn chặn, đình chỉ, chấm dứt ngay hành vi vi phạm, do có thể chủ động không cho vi phạm tiếp tục tái diễn, dẫn đến nguy cơ gây hậu quả sẽ lớn hơn nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, dự thảo Luật hiện quy định theo loại ý kiến thứ nhất.
Bên cạnh đó, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy cũng là vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Cụ thể, Bộ trưởng cho hay loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy nhằm tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện Việt Nam hiện nay (việc sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng ngày càng tăng và khó kiểm soát)
Đồng thời, là những biện pháp phòng ngừa sớm (quản lý tốt người sử dụng ma túy sẽ dần hạn chế số lượng người nghiện ma túy) với những đặc thù riêng là rất cần thiết. Và dự thảo Luật đang quy định theo loại ý kiến này.
Tuy nhiên, loại ý kiến ngược lại cho rằng, cần cân nhắc thận trọng việc bổ sung quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy, vì mục đích áp dụng chế tài đối với người chưa thành niên là nhằm giáo dục, phòng ngừa chứ không phải là trừng phạt.
Nếu chú trọng mục đích trừng phạt đối với đối tượng này thì khả năng phục hồi, sửa chữa vi phạm của các em sẽ rất khó đạt được. Ngoài ra, Luật Phòng, chống ma túy cũng đã có những quy định cụ thể đối với người chưa thành niên nghiện ma túy.
H.T