Thẩm định đề nghị xây dựng Luật Thanh tra (sửa đồi)

19/12/2019
Thẩm định đề nghị xây dựng Luật Thanh tra (sửa đồi)
Chiều 19/12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì cuộc họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Thanh tra (sửa đồi). Tham dự cuộc họp có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành có liên quan.
Luật Thanh tra đã được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2011. Qua gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao quả quản lý nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, Luật Thanh tra cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, không còn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra trong giai đoạn hiện nay là cần thiết để thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước và khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về thanh tra.

Trong đề nghị xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này đã đưa ra một số chính sách là: Hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước; Đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra các Bộ, ngành, xác định rõ thanh tra bộ ngành chủ yếu thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; phân biệt rõ giữa thanh tra chuyên ngành và các hình thức kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý, xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra; tạo sự chủ động cho Thủ trưởng bộ ngành trong việc tổ chức cơ quan thanh tra theo các nguyên tắc chung phù hợp với lĩnh vực quản lý và có sự thống nhất với Thanh tra Chính phủ; Đổi mới hoạt động thanh tra theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn thanh tra, tránh chồng chéo và bảo đảm chất lượng của Kết luận thanh tra; Đổi mới cơ chế giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, sách nhiễu trong hoạt động thanh tra, tránh lạm quyền gây khó khăn phiền hà cho tổ chức cá nhân là đối tượng thanh tra; Quy định cụ thể các biện pháp đôn đốc xử lý sau thanh tra, chú trọng việc thu hồi tiền, tài sản vi phạm pháp luật qua hoạt động thanh tra.

Nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như phù hợp với chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về thanh tra, các đại biểu tham dự cuộc họp cũng đóng góp các ý kiến về tính hợp hiến, tính hợp pháp... của đề nghị xây dựng Luật.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo và nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi). Về các chính sách được nêu lên trong đề nghị xây dựng Luật, Thứ trưởng cho rằng cần nâng lên thành chính sách lớn và bao quát hơn, nội dung đánh giá tác động của chính sách cần cụ thể, đầy đủ, toàn diện hơn...