Đoàn giám sát của UBTVQH kiểm tra công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Bộ Tư pháp

16/12/2019
Đoàn giám sát của UBTVQH kiểm tra công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Bộ Tư pháp
Ngày 16/12, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội làm Trưởng Đoàn đã làm việc với Bộ Tư pháp về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, thời gian qua, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã có những chỉ đạo, điều hành để thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp. Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/BCSĐ ngày 05/04/2018 về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm THADS, THAHC giai đoạn 2018-2021 trong đó tập trung vào nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực THADS. Bên cạnh đó, Lãnh đạo Bộ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ đã tăng cường công tác tiếp công dân, tổ chức đối thoại để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm thực hiện, ngày càng đi vào nề nếp đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ Tư pháp luôn bảo đảm các quyền của người khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản pháp luật có liên quan. Đối với các vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, Bộ Tư pháp đã tổ chức các cuộc họp liên ngành để thống nhất trước khi giải quyết bảo đảm thấu tình đạt lý. Do đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Bộ Tư pháp đã có chuyển biến tích cực, các vụ việc mới phát sinh được giải quyết tương đối kịp thời, tính chất gay gắt, bức xúc của các vụ việc cũng giảm đáng kể, các vụ việc phức tạp, kéo dài hầu hết đã được giải quyết. 
 

Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ việc do các cơ quan Trung ương chuyển đến, đặc biệt là các vụ việc có yêu cầu giải quyết của Ban Dân nguyện, Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chuyển đến. Kịp thời có báo cáo kết quả giải quyết đến cơ quan có yêu cầu giải quyết. Đã ban hành Quy trình tiếp nhận, phân công giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến nhằm đảm bảo việc tiếp nhận, phân công giải quyết, trả lời kiến nghị được kịp thời, khách quan, đầy đủ nội dung, đúng pháp luật. Việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật đạt được kết quả nhất định.
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo còn một số tồn tại, hạn chế như vẫn còn tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài dù đã được Bộ Tư pháp cố gắng phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết; một số vụ việc phức tạp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục, vụ việc có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo các cấp còn chưa giải quyết được dứt điểm theo đúng thời hạn yêu cầu.
Để công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tốt hơn, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nêu lên một số đề xuất, kiến nghị, trong đó cần đẩy mạnh hoàn thiện và xây dựng pháp luật về khiếu nại, tố cáo; sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật như Luật Công chứng, Luật THADS, Luật thanh tra… Bên cạnh đó, cần tăng cường biên chế cán bộ làm công tác tiếp dân. 
Thứ trưởng cũng kiến nghị các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội tăng cường đôn đốc, theo dõi, giám sát cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, các yêu cầu, kiến nghị. Bên cạnh đó, các Đại biểu Quốc hội trong công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân để tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phàn ánh cần giải thích cho công dân thực hiện đúng quy định pháp luật và đến đúng cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
 

Trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu tại phiên làm việc, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải khẳng định, thời gian qua, công tác tiếp công dân của Bộ Tư pháp được triển khai bài bản, nề nếp. Việc tiếp công dân của Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ Tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật, số lượng đơn thư được giải quyết đạt tỉ lệ cao. Quá trình tiếp công dân có Biên bản tiếp công dân và các bên đều thực hiện ký Biên bản này; sau thời gian quy định sẽ có thông báo cho công dân về việc thụ lý đơn và có phương hướng xử lý... Như vậy, theo bà Nguyễn Thanh Hải, đây là điểm mới và điểm sáng của Bộ Tư pháp mà các Bộ, địa phương đã được kiểm tra chưa có. Bà nhấn mạnh, đây là điển hình về cách làm và cần nhân rộng mô hình này để các bộ, ngành khác thực hiện. 
Đánh giá cao công tác tiếp công và hiệu quả công tác tiếp công dân của Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị Bộ Tư pháp cần quan tâm một số nội dung như: tiếp tục thực hiện theo sổ mẫu của Thanh tra Chính phủ; Công tác phân loại đơn thư cần căn cứ vào nội dung để thực hiện phân loại. Bên cạnh đó, cần quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất để thực hiện tốt việc tiếp công dân…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận và khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đồng chí Nguyễn Thanh Hải và các đại biểu tại phiên làm việc. Đối với những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị có liên quan đến công tác tiếp công dân giải trình, đồng thời báo cáo bổ sung các vấn đề theo đề nghị của các đại biểu. Bộ trưởng cũng bày tỏ sự cảm ơn những ý kiến đóng góp của Đoàn giám sát để giúp Bộ Tư pháp hoàn thiện hơn nữa công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo trong thời gian tới.

Một số hình ảnh của buổi làm việc:
 
 
 
An Như – Trung tâm Thông tin