“Thiếu” vai trò của pháp luật trong phát triển kinh tế
Đó là nhận xét chung của nhiều đại biểu trong Hội nghị góp ý nói trên. GS. TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý ghi nhận: các dự thảo văn kiện đều đã đề cập đến hệ thống pháp luật. Đặc biệt dự thảo Chiến luợc đã nhấn mạnh những bất cập của hệ thống pháp luật như là một trong những yếu kém trong phát triển kinh tế xã hội (KTXH) của đất nước trong 10 năm qua. Mặc dù vậy, theo ông Hạnh vẫn còn ba điểm bất cập cần được khắc phục, trong đó “các dự thảo văn kiện chưa coi việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là một điểm đột phá”.
Trong 5 đề xuất của ông Hạnh vào dự thảo văn kiện, đáng lưu ý là đề xuất ban hành Luật về quản lý tài nguyên quốc gia trên cơ sở hợp nhất Luật đất đai, Luật Tài nguyên và khoáng sản, Luật Tài nguyên nước. Theo ông Hạnh có như vậy mới sớm chấm dứt tình trạng cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất dự án, mà nếu có cũng phải rõ các tiêu trí để tránh nguy cơ tham nhũng.
TS Tô Văn Hoà, Trường ĐH Luật Hà Nội đồng tình: phát triển kinh tế không thể không có vai trò của hệ thống tư pháp. Dẫn chứng từ vụ kiện của VEDAN sau 2 năm các cơ quan hành chính phải đi “thương thảo” không kết quả, cuối cùng sắp kiện ra toà doanh nghiệp này mới thay đổi thái độ để bồi thường, ông Hoà cho rằng cải cách tư pháp với trọng tâm là cơ quan xét xử phải có một vị trí xứng đáng trong phát triển KTXH.
Ông Hoà cũng cho rằng vai trò của pháp luật trong các dự thảo văn kiện còn rất mờ nhạt. Trong 8 phương hướng của cương lĩnh ông Hoà đề nghị bổ sung vấn đề về “thượng tôn pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật”.
Chung nhận định, TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục con nuôi cho rằng, trong nội dung về xây dựng nhà nước pháp quyền, các dự thảo văn kiện đều “chưa dứt khoát, còn ngập ngừng” giữa tập trung, tập quyền và dân chủ, nhất là dân chủ ở cơ sở. Nhiều nội dung của dự thảo ông Bình cho rằng thiếu thống nhất, nhiều khái niệm chưa rõ ràng.
Kiến nghị bổ sung tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị
Góp ý văn kiện với chuyên đề về hệ thống cơ quan xét xử và vấn đề công tố, PGS.TS Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp đánh giá, cương lĩnh đã kiên trì và khẳng định những thành quả to lớn của Đại hội trước là rất cần thiết, trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh vấn đề mới là kiểm tra, giám sát quyền lực trên 3 lĩnh vực lập pháp, hành pháp tư pháp mà trước đây chưa đặt ra là “bước tiến mới”. Tại cương lĩnh này, Thứ trưởng Liên cho rằng đây là văn kiện có tính định hướng lớn cho cả thời kỳ nên nội dung về cải cách tư pháp chưa cần thiết phải đưa vào văn kiện. Tuy nhiên, nội dung này nhất thiết phải được đưa vào Chiến lược phát triển KTXH và Báo cáo chính trị.
Đặc biệt, Thứ trưởng Liên kiến nghị, Bộ Chính trị cần đánh giá những nội dung của Nghị quyết 49-NQ/TW. Nếu khẳng định thực hiện Nghị quyết này là đúng hướng thì cần bổ sung chính xác và đầy đủ tinh thần của Nghị quyết cũng như chỉ đạo của Bộ Chính trị vào dự thảo Báo cáo chính trị để tạo cơ sở chính trị cho việc tiếp tục nghiên cứu, thực hiện cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Cũng khẳng định tầm quan trọng của Nghị quyết 49, TS. Phan Chí Hiếu, Giám đốc Học viện Tư pháp đề nghị các văn kiện trình ĐH Đảng cần phải đánh giá cụ thể hơn về quan hệ biện chứng giữa chất lượng hoạt động tư pháp, pháp luật với phát triển KTXH, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, từ đó khẳng định sự cần thiết phải xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, pháp luật trong sạch, vững mạnh với giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này.
Cũng đồng tình với nhận định Nghị quyết 49 còn “tươi nguyên giá trị” TS Nguyễn Văn Tuân, Tổng biên tập Tạp chí dân chủ và pháp luật sau khi nêu thực trạng bảo đảm sự độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử cũng kiến nghị, cần phải khẳng định tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị trong các văn kiện trong đó bổ sung “bảo đảm sự độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử”.
Bình An
Bốn chuyên đề Bộ Tư pháp tập trung thảo luận tại Hội nghị là: Phát huy dân chủ XHCN, đảm bảo quyền con người và công lý trong dự thảo văn kiện trình ĐH Đảng lần thứ XI nhìn từ góc độ xây dựng nhà nước pháp quyền; Các phương thức quản lý kinh tế vĩ mô và vấn đề vai trò của pháp luật; Hệ thống cơ quan xét xử và vấn đề bảo đảm tính độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử nhìn từ việc thực hiện Nghị quyết số 48 và 49 của Bộ Chính trị; Các định hướng và giải pháp phát triển nhân tốc con người và công tác đào tạo nhìn từ thực tiễn thực hiện các chính sách tuyển chọn và đãi ngộ cán bộ, công chức. |